08:26 | 26/12/2019

Định lượng để nhìn ‘bức tranh’ văn hoá rõ hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhận xét này tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 (Chiến lược), tổ chức chiều 25/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhận thức về văn hoá đã đi sâu vào ngõ ngách của đời sống. Ảnh: VGP/Đình Nam

Hội nghị là dịp để ngành văn hoá thêm một lần nữa xem xét, tiếp tục có những bổ sung cần thiết cho chiến lược phát triển văn hoá trong 10 năm tới.

Nhấn mạnh văn hoá là một quá trình nỗ lực, sáng tạo liên tục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng 10 năm qua việc thực hiện Chiến lược đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều lĩnh vực văn hoá đã có thể lượng hoá được bằng số liệu để nhìn nhận rõ sự phát triển, thay đổi chứ không chỉ là những nhận định cảm tính.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trong lĩnh vực điện ảnh, dù còn không ít bức xúc nhưng nhìn lại khi bắt đầu thực hiện Chiến lược mỗi năm có 8 phim truyện được sản xuất, 63 rạp chiếu phim thì đến năm 2019 các hãng phim đã sản xuất có 44 phim truyện, cả nước có 544 rạp chiếu phim.

Hay đối với nhận định văn hoá đọc đang đi xuống thì trong năm 2019 ngành thư viện ghi nhận hơn 47 triệu lượt người đến các thư viện công cộng (so với 19 triệu người của năm 2009). Ngành xuất bản có bước tiến mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15-20% về số bản sách, từ 8-10% về số đầu sách, 10-15% về trang in. Sự phát triển đa dạng của hệ thống thư viện, phòng đọc tư nhân…

Báo cáo của Bộ VHTT&DL cũng cho thấy số người, gia đình tham gia tập thể dục, tham gia vào các hoạt động văn hoá, thể thao cũng tăng rất nhiều.

“Ngay trong phong trào xây dựng nông thôn mới, việc người dân tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, công sức cũng là một tiến bộ rất lớn về văn hoá”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Trong thời gian tới, ngành VHTT&DL cần đẩy mạnh chuẩn hoá các tiêu chí, xây dựng phương pháp lượng hoá làm cơ sở để đánh giá, định hướng xã hội trước các vấn đề văn hoá, đạo đức. “Đây là việc khó nhưng không phải không làm được”.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng nhận thức trong xã hội về văn hoá được nâng lên, trước hết là trong hệ thống chính quyền các cấp.

“Gần đây các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước khi làm việc đều nhấn mạnh đến vấn đề văn hoá. Những vấn đề xã hội, văn hoá luôn được đặt ra, chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội. Đây là tín hiệu đáng mừng khi văn hoá-xã hội đã được chú ý hơn trước sức ép về tăng trưởng kinh tế. Cùng với kinh tế, nguồn lực của xã hội đầu tư cho lĩnh vực văn hoá đã lớn hơn rất nhiều lần”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “văn hoá không chỉ là nền tảng mà vai trò văn hoá trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam trong điều kiện mới đã được chú trọng”.

Nhận thức về văn hoá đã đi sâu vào ngõ ngách của đời sống từ văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp đến văn hoá gia đình, cộng đồng, làng xã.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận xét, đó đây trong toàn hệ thống và xã hội, văn hoá vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa dành đủ thời gian chỉ đạo, nguồn lực cho văn hoá mà vẫn chạy theo sức ép tăng trưởng kinh tế.

“Nơi nào nói nhận thức đủ rồi nhưng thực hiện chưa tốt có nghĩa là nhận thức chưa thực sự sâu sắc”, Phó Thủ tướng nói.

Sự thụ hưởng của người dân đối với các loại hình văn học nghệ thuật, tham gia vào sáng tác, phổ biến cũng hơn trước rất nhiều. Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hoá do Nhà nước đầu tư, các doanh nghiệp và nhân dân rất tích cực tham gia phát triển các thiết chế văn hoá xã hội hoá.

Nhiều chỉ số thành phần trong Chỉ số phát triển con người của Việt Nam như giáo dục, khoa học, văn hoá cao hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển.

Không chỉ mang văn hoá Việt Nam ra nước ngoài, đem những giá trị, sản phẩm văn hoá thế giới đến Việt Nam mà hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của Việt Nam cũng đã tiếp thu, Việt hoá nhiều điểm mới của thời đại, của các nước với tốc độ nhanh hơn trước.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam cần phải xác định được những điểm đột phá trong những năm tiếp theo để phát triển cả về kinh tế, đồng thời lan toả giá trị văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây của ngành du lịch (năm 2019 ước đạt 18 triệu lượt khách quốc tế), không thể thiếu sự đóng góp của văn hoá, con người Việt Nam với sự thân thiện, mến khách, cùng nhiều di sản đặc sắc, độc đáo đang được gìn giữ, phát huy, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. “Chúng ta không thể giữ nguyên tất cả di sản mà không khai thác, phát triển kinh tế hợp lý nhưng nếu phát triển kinh tế mà phá hỏng di sản thì sẽ có lỗi rất lớn”, Phó Thủ tướng lưu ý và nêu thực tế ở nhiều di sản thiên nhiên, văn hoá đang đứng trước nguy cơ “biến dạng” do những doanh nghiệp đầu tư chưa có đủ tiềm lực, kinh nghiệm, hiểu biết.

Trước độ mở và sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ, không gian mạng đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến tư duy, suy nghĩ của thế hệ trẻ, đặt ra những yêu cầu rất mới trong phát triển con người, Phó Thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận rất nghiêm túc vấn đề này trong xây dựng chiến lược phát triển văn hoá 10 năm tới.

Phó Thủ tướng khẳng định: Những thành quả nổi bật của kinh tế-xã hội đất nước, sự phát triển thị trường văn hoá, hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ, không gian mạng đòi hỏi cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá, tổng kết chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 để kế thừa những mặt tích cực, đề ra các giải pháp, công việc cần tập trung trong thời gian tới.

“Phát triển văn hoá phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động phát huy sáng tạo cá nhân, dân chủ nhưng phải đi liền với pháp luật, kỷ cương, nhất là phải làm gương. Trước hết từ bộ máy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, từ cao xuống thấp. Cán bộ phải làm gương trước người dân. Người lớn làm gương cho con trẻ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đình Nam

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/dinh-luong-de-nhin-buc-tranh-van-hoa-ro-hon-5245.html

In bài viết