13:46 | 26/12/2019

Công cụ kinh tế và nguồn lực cho quản lý môi trường

Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, công cụ kinh tế và nguồn lực cho quản lý môi trường được quy định từ Điều 115 – Điều 128, chương X. Cụ thể, gồm các công cụ và nguồn lực sau:
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
cong cu kinh te va nguon luc cho quan ly moi truong

Thuế bảo vệ môi trường

1. Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân khi sản xuất, nhập khẩu, sử dụng sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường phải nộp thuế bảo vệ môi trường.

3. Mức thuế bảo vệ môi trường được căn cứ vào loại, mức độ độc hại và số lượng hoặc khối lượng của sản phẩm, hàng hóa và được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng giai đoạn.

Phí bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.

2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau:

a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường;

b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường;

c) Mức độ nhạy cảm của môi trường nơi tiếp nhận chất thải.

3. Mức phí bảo vệ môi trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Ký quỹ xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường

1. Đối tượng phải ký quỹ xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường được quy định như sau:

a) Chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn phát sinh khối lượng lớn các chất ô nhiễm tồn lưu trong đất phải thực hiện ký quỹ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường ô nhiễm tồn lưu trong môi trường đất;

b) Chủ dự án khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Chủ dự án chôn lấp chất thải phải thực hiện ký quỹ xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường khu vực chôn lấp chất thải.

2. Mức ký quỹ được quy định trên cơ sở chi phí xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường và được xác định trong phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Quỹ bảo vệ môi trường

1. Quỹ bảo vệ môi trường là tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường và hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường.

2. Vốn hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường quốc gia và cấp tỉnh được hình thành từ các nguồn sau:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ;

b) Các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

c) Vốn góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

1. Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo.

b) Sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường;

c) Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kỹ thuật tốt nhất hiện có trong sản xuất kinh doanh;

d) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; nước thải công nghiệp;

đ) Xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại;

e) Xây dựng trạm quan trắc chất lượng môi trường;

g) Xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường, công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng;

h) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề;

i) Di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ra khỏi phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, phân vùng hạn chế tác động môi trường theo quy định của Chính phủ.

k) Thu gom, vận chuyển chất thải rắn tập trung;

l) Chuyển đổi hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

2. Nhà nước hỗ trợ đất đai, hạ tầng, nguồn vốn từ ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung;

b) Phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

c) Xây dựng hạ tầng các khu xử lý chất thải rắn tập trung, cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

d) Xây dựng trạm quan trắc môi trường;

đ) Xây dựng công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng;

e) Di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ra khỏi phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, phân vùng hạn chế tác động môi trường theo quy định của Chính phủ.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đánh giá sản phẩm, dịch vụ thân thiết môi trường

1. Những sản phẩm, dịch vụ được gắn nhãn sinh thái khi đáp ứng tiêu chí nhãn sinh thái và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí nhãn sinh thái để đánh giá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; tổ chức rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí nhãn sinh thái đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá, chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

4. Việc giám định, đánh giá sự phù hợp, kiểm tra để đối chứng với các tiêu chí nhãn sinh thái đối với sản phẩm, dịch vụ phải do tổ chức chứng nhận, giám định có chức năng, đủ năng lực thực hiện.

Trách nhiệm quản lý, sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Danh mục sản phẩm, dịch vụ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái; phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông quảng bá sử dụng các sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận nhãn sinh thái.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin về các Tổ chức trong và ngoài nước ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với các sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận nhãn sinh thái của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm đảm bảo hiệu quả hội nhập quốc tế và tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập thị trường quốc tế của các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của Việt Nam.

Mua sắm xanh và chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường

1. Các tổ chức, cá nhân thực hiện mua sắm xanh, phân phối và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận Nhãn sinh thái được khuyến khích và hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm thực hiện chính sách mua sắm công xanh, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ bảo vệ môi trường

1. Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường; xây dựng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử lý và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các lĩnh vực sau:

a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;

b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường;

c) Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường;

d) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường;

đ) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;

e) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường;

g) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thân thiện với môi trường

1. Nhà nước khuyến khích, có chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, canh tác nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, sử dụng sản phẩm phụ trong sản xuất nông nghiệp phục vụ canh tác nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường

1. Chi hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường gồm:

a) Xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường;

b) Hỗ trợ công tác quy hoạch về bảo vệ môi trường; đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá tác động môi trường tổng hợp, xuyên biên giới, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu; khai báo, cấp giấy phép về môi trường; giám sát kỹ thuật, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường;

c) Điều tra, đánh giá, lập danh mục chất ô nhiễm, chất phá hủy tầng ô – dôn, khí nhà kính, chất thải rắn, nguồn ô nhiễm; thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về môi trường;

d) Thực hiện chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường đất, nước, không khí; điều tra, đánh giá, quản lý, kiểm soát các khu vực ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường; tổ chức dự báo, thông tin, cảnh báo về ô nhiễm môi trường;

đ) Hỗ trợ phân loại tại nguồn, thu gom, xây dựng, thử nghiệm mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt;

e) Điều tra, đánh giá, phân loại, quản lý cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên và các loài hoang dã;

g) Tăng cường trang bị thiết bị, phương tiện, công cụ kiểm tra, giám sát kỹ thuật, quan trắc, dự báo, thông tin, cảnh báo về môi trường;

h) Đào tạo cán bộ kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường;

i) Phổ biến, tổng kết, đánh giá pháp luật về bảo vệ môi trường; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng;

k) Thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

l) Các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường khác;

m) Thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư về bảo vệ môi trường sau khi đã đảm bảo các nhiệm vụ chi sự nghiệp theo quy định.

2. Chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường, gồm:

a) Đầu tư cho các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, bao gồm hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hạ tầng kỹ thuật của khu xử lý chất thải rắn tập trung, bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt và các công trình bảo vệ môi trường công cộng khác do Nhà nước quản lý;

b) Đầu tư cho các dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường; dự án phục hồi cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái tự nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu;

c) Đầu tư cho các dự án xây dựng trạm quan trắc chất lượng môi trường; dự án đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm của Nhà nước;

d) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích về môi trường do Nhà nước đặt hàng.

3. Ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm mức chi không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; mục chi riêng cho hoạt động đầu tư phát triển bảo vệ môi trường.

4. Việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu đãi và hỗ trợ gồm:

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thân thiện với môi trường;

b) Tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường;

c) Kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; quan trắc, dự báo các biến đổi môi trường;

d) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường

1. Chương trình của các cấp học phổ thông phải tích hợp nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường.

2. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; đầu tư đào tạo cán bộ kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

Truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên và rộng rãi.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về pháp luật bảo vệ môi trường.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/cong-cu-kinh-te-va-nguon-luc-cho-quan-ly-moi-truong-5252.html

In bài viết