17:47 | 02/01/2020

Những phong tục lạ đón năm mới trên thế giới

Cho dù phong tục đón năm mới tại các nơi trên thế giới có sự khác nhau nhưng đều có điểm chung là giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và chung một mục đích, đó là cầu mong năm mới đem lại may mắn, hạnh phúc và an lành đến với mọi người.
Giá trị nào cho Tết

Nhật Bản: Không nấu nướng 3 ngày đầu năm

nhung phong tuc la don nam moi tren the gioi
Người Nhật Bản treo Wakazari ở bếp cầu vận may.

Ngày Tết truyền thống của Nhật Bản còn được gọi là “Oshougatsu” được diễn ra vào 1 tháng 1 dương lịch với những sắc thái văn hóa của quốc gia cùng những phong tục tập quán đón tết độc đáo từ xa xưa. Tại Nhật Bản, họ đón tết năm mới theo lịch dương bắt đầu từ 1 tháng 1 với các lễ kỷ niệm kéo dài đến ngày 3 tháng 1. Năm mới ở Nhật Bản phần lớn là những công việc gia đình ấm cúng, trang trọng. Vào dịp năm mới, hết người dân Nhật Bản sẽ ở nhà cùng với gia đình.

Sau những bữa tiệc cuối năm, người Nhật tiến hành Osouji - nghi thức dọn dẹp nhà cửa và văn phòng đón Tết. Osouji không chỉ là chuẩn bị nhà cửa để mừng năm mới mà còn là nghi thức tượng trưng cho một sự khởi đầu mới, tươi sáng. Dọn dẹp không gian sống và nơi làm việc lộn xộn, đặc biệt là dọn sạch bồ hóng trong bếp, bụi trong nhà nhằm cảm ơn các phước lành của năm trước, thanh tẩy các không gian đón năm mới.

Bên cạnh đó, người Nhật còn có một số nghi thức rất độc đáo như: Wakazari là một vòng tròn, được bện bởi một đoạn dây thừng và được kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Người ta treo Wakazari ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn những vị thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Ngoài ra, Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.

Trước Giao thừa, ngoài mâm cỗ để cúng bái, những người phụ nữ ở Nhật Bản sẽ chuẩn bị nhiều hộp đồ ăn nguội gọi là Osechi. Vì người dân ở đất nước này quan niệm rằng trong 3 ngày đầu năm, việc nấu nướng sẽ làm phiền tới thần bếp nên Osechi là phương án tốt nhất. Điều đó cũng giúp cho những người phụ nữ được thong thả đón Tết mà không lo bếp núc trong 3 ngày này.

Scotland: Bỏ than vào bếp cầu an khang, thịnh vượng

Ngày Tết, nhà nào cũng mở rộng cửa để đón khách. Khách đến chơi đều mang theo những hòn than. Mỗi khi đến nhà nào, người ta cũng bỏ một hòn than vào bếp lò nhà đó để cầu mong nhà đó được đầm ấm, thịnh vượng.

Tây Ban Nha: Ăn 12 quả nho Ăn 12 quả nho và mặc nội y đỏ đặc biệt

Ở Tây Ban Nha, một phong tục truyền thống được thực hiện là ăn 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng của năm mới để cầu may mắn và phát đạt.

Truyền hình quốc gia sẽ truyền hình trực tiếp từ Real Casa de Correos - tháp đồng hồ từ thế kỷ 18 khi người dẫn chương trình nhắc lại lời hướng dẫn lần cuối cùng. Sau khi chiếc chuông rung nhanh 4 hồi, sẽ có một khoảng thời gian im lặng bên nhau rồi bắt đầu 12 hồi chuông đại diện cho 12 tháng trong năm.

nhung phong tuc la don nam moi tren the gioi
Ăn 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng của năm mới để cầu may mắn và phát đạt.

Khi hồi chuông đầu tiên ngân lên, mọi người dân Tây Ban Nha cùng bỏ quả nho đầu tiên vào miệng. Khá là khó để kịp nhai hay thưởng thức hương vị của nó vì chỉ 2 giây sau là đến hồi chuông thứ hai và quả nho thứ hai. Suốt 12 hồi chuông là “12 quả nho may mắn”. Nếu có thể ăn liên tục 12 quả ở tiếng chuông cuối cùng, bạn sẽ gặp may mắn trong năm mới.

Đan Mạch: Đập vỡ đĩa để mang lại may mắn

Người Đan Mạch có truyền thống đón năm mới độc đáo là "đập vỡ đĩa" để mang lại may mắn. Cụ thể, vào đêm Giao thừa, họ ném đĩa vào trước nhà của người bạn hay hàng xóm.

Nếu vào buổi sáng có nhiều mảnh vỡ đĩa thì chủ nhà càng có nhiều bạn và nhiều may mắn trong năm mới. Ngày nay, tập tục này còn khá ít người thực hiện, nhưng dù sao nó cũng khá thú vị.

Một truyền thống khác ở quốc gia này là nhảy khỏi ghế vào thời khắc Giao thừa, điều này tượng trưng cho "bước tiến nhảy vọt" trong năm mới.

Đức: Đốt nến làm tan chảy miếng chì

nhung phong tuc la don nam moi tren the gioi
Phong tục đón năm mới ở Đức là đốt nến làm tan chảy miếng chì nhỏ trên thìa.

Lễ chào năm mới ở nước Đức thường kéo dài trong vòng một tuần và rất đặc biệt, vào đêm giao thừa thì mỗi nhà ở Đức sẽ bày một chiếc đĩa lên bàn tiệc, và trong đĩa đựng 12 củ hành. 12 củ hành này được khoét các lỗ nhỏ để rắc muối vào. Và mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm.

Có một điều khá thú vụ tại Đức, đó là người ta để một giọt kim loại nóng chảy rơi vào nước lạnh và căn cứ vào hình dạng của nó mà đoán những điều sẽ xảy ra trong năm mới. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có tin mừng về cưới xin, hình một con tàu thì sẽ phải đi xa, hình con lợn nghĩa là sẽ được thưởng thức những món ăn ngon.

Người Colombia đốt "Ngài năm cũ"

Đốt “Ngài năm cũ” (Mr. Old Year) là phong tục truyền thống của người dân Colombia trong dịp Năm Mới. Mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là "Ngài năm cũ". Sau đó, họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là những vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua.

nhung phong tuc la don nam moi tren the gioi
Hình nộm "Ngài năm cũ" sẽ bị đốt trong đêm giao thừa.

Tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào Năm Mới một cách đầy lạc quan của người Colombia.

Anh: Cời lửa bếp lò lấy may

Anh là một trong số những quốc gia có nhiều phong tục trong ngày Tết, trong đó có tục cời lửa bếp lò. Đêm Giao thừa, người Anh mang rượu và bánh ngọt đi chúc Tết. Người Anh không gõ cửa mà tiến thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân.

Sau Giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sẽ báo hiệu năm mới tốt lành hay xui xẻo. Nếu người khách đầu tiên là đàn ông tóc đen hoặc là người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có thì chủ nhà cũng may mắn cả năm. Nếu người khách đầu tiên là cô gái tóc vàng nhạt hoặc là người u buồn, nghèo khó, bất hạnh chủ nhà sẽ gặp nhiều tai họa và khó khăn trong năm mới. Người đến làm khách trong đêm Giao thừa trước khi nói chuyện phải cời lửa bếp lò, chúc chủ nhà "mở cửa gặp may". Bữa tiệc đón mừng năm mới bắt đầu từ 8h tối Giao thừa đến sáng sớm hôm sau mới kết thúc. Nửa đêm, người Anh lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, cùng nhau chạm cốc, hát hò và nhảy múa trong không khí tưng bừng, náo nhiệt đón mừng năm mới.

Với người Anh, trước thềm năm mới là thời điểm người người, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Người Anh cho rằng, nếu rượu thịt trong nhà không dư dả, năm mới sẽ gặp nhiều khó khăn, nghèo khổ. Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục "lấy nước đầu năm mới". Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người múc gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nhung-phong-tuc-la-don-nam-moi-tren-the-gioi-5295.html

In bài viết