13:25 | 16/01/2020

Đô thị xanh trong các mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Đô thị xanh - ích lợi và thách thức
do thi xanh trong cac muc tieu phat trien do thi viet nam
Để trở thành đô thị xanh theo đúng nghĩa, Singapore nhiều năm qua đã hình thành một cơ chế thu gom rác rất hiệu quả.

Xây dựng đô thị xanh – thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt. Đặc biệt thích hợp với các đô thị có lợi thế về khí hậu và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng. Điều này đang phụ thuộc về các đô thị trung bình và đô thị nhỏ với lợi thế dễ dàng phát triển thành các đô thị du lịch, đô thị truyền thống làng nghề, cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu làm gia tăng các quỹ đất dành cho xây dựng, dẫn đến bê tông hóa bề mặt đô thị.

Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị, đó là hệ thống cây xanh, mặt nước.

Để phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hóa và bền vững, đầu tiên cần phải tính toán từ khâu quy hoạch, kế hoạch. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái… Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái, thân thiện môi trường thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Đặc biệt, các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh mặt nước và đảm bảo các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường. Việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường sống cũng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển đô thị xanh.

Trong những năm gần đây vấn đề quy hoạch đô thị xanh thị đã có những chuyển biến tích cực, chính quyền các đô thị đã dần nhận ra vai trò của không gian xanh đô thị trong gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và cảnh quan đô thị, dần trở thành mục tiêu trọng tâm hàng đầu trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Mục tiêu của nước ta đến năm 2020 hoàn thành rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các đô thị lớn, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Hình thành cơ chế đối thoại chính sách định kỳ với các doanh nghiệp, các đối tác phát triển về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng và các chính sách phát triển đô thị; Phấn đấu thực hiện thí điểm xây dựng đô thị tăng trưởng xanh tại ít nhất bình quân 1 đô thị trên mỗi vùng kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn từ năm 2020-2030, hoàn thành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được phê duyệt trước năm 2015 và các quy hoạch chung đô thị được phê duyệt mới; Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, quy định quy phạm pháp luật về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Việc xây dựng đô thị xanh cần thực hiện các tiêu chí:

Quy hoạch sử dụng đất đô thị hợp lý và bảo đảm không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của đô thị xanh, đô thị sinh thái: Quy hoạch đô thị xanh phải tạo ra các không gian xanh và mặt nước sao cho người dân đô thị, khách vãng lai, khách du lịch, khi đi trên đường phố không bị các mảng bê tông che chắn, có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, thảm cỏ xanh.

Hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và khí hậu, tôn cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc..

Giao thông đô thị xanh: đây là một tiêu chí rất quan trọng. Quy hoạch đô thị và xây dựng hệ thống giao thông bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ; thắt chặt dần tiêu chuẩn môi trường; cải tiến công nghệ sản xuất xe; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của xe và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe.

Công nghiệp xanh: Sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu có hiệu quả cao, tức là tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, phát sinh chất thải ít nhất, sản xuất ra các sản phẩm nhiều nhất; phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp; cải tiến quá trình công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện chu trình tái sử dụng, tái chế chất thải trong ngành sản xuất công nghiệp để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho năng tượng từ đốt nhiên liệu hóa thạch.

Công trình kiến trúc xanh (Green Building): Được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí: xanh hóa công trình; tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng; tiết kiệm nguồn nước; thải chất thải ra môi trường xung quanh ít nhất; môi trường trong nhà xanh.

Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, lịch sử.

Chất lượng môi trường đô thị xanh: Chất lượng môi trường không khí, nguồn nước sạch; quản lý chất thải rắn tốt; vệ sinh đường phố luôn sạch.

Cộng đồng dân cư đô thị sống thân thiện với môi trường.

Thúy Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/do-thi-xanh-trong-cac-muc-tieu-phat-trien-do-thi-viet-nam-5374.html

In bài viết