17:14 | 07/02/2020

Phát triển bền vững vật liệu xây dựng: Chú trọng bảo vệ môi trường sản xuất

Trong thời gian tới, phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) của nước ta cần phải đảm bảo tuân thủ các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững đất nước.
Dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường
phat trien ben vung vat lieu xay dung chu trong bao ve moi truong san xuat
Vật liệu xây dựng xanh là xu hướng phát triển tất yếu toàn cầu.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành VLXD trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất VLXD đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ. Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Phát triển VLXD đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm VLXD đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 là công cụ quan trọng để định hướng phát triển VLXD nước ta theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây sẽ là căn cứ để xây dựng các kế hoạch thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, cải tạo các nhà máy sản xuất VLXD và kiểm soát chất lượng các sản phẩm VLXD trong thời gian tới.

Hiện nay với việc rất nhiều quốc gia đang nâng tỷ lệ các công trình xanh, sử dụng các vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng thì ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng không thể nằm ngoài xu hướng phát triển này.

Dự thảo Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050 đã được xây dựng với các quan điểm phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại VLXD có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, các dự án công suất lớn ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông, gần thị trường tiêu thụ; các dự án đầu tư mở rộng; các cơ sở chuyên chế biến nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp vật liệu xây dựng; không đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng ở các vùng ảnh hưởng đến khu bảo tồn, di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng.; không đầu tư, hoặc chuyển nhượng dự án sản xuất vật liệu xây dựng có yếu tố nước ngoài ở khu vực có ảnh tới an ninh quốc phòng.

Về công nghệ, sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao vào sản xuất, từng bước áp dụng công nghệ 4.0, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư chiều sâu, nâng cấp công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị, phụ tùng thay thế trong dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng.

Về sử dụng tài nguyên, khai thác, quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật; bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và an ninh quốc phòng.

Về môi trường, các dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nồng độ khí thải, nồng độ bụi, chất thải rắn, nước thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định.

Về sản phẩm, phát triển đa dạng chủng loại và mẫu mã sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm có tính năng mới, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững môi trường biển; đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một số sản phẩm có lợi thế và có tính cạnh tranh cao.

Dự thảo Chiến lược cũng đã đặt mục tiêu phát triển thời kỳ 2021 - 2030: Đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô công suất lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; đầu tư phát triển các sản phảm có năng lực cạnh tranh, thân thiện môi trường; đa dạng chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao; phát triển các sản phẩm phù hợp cho công trình biển đảo, bền trong các môi trường xâm thực, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời kỳ 2031 - 2050: Sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật vào quản lý và sản xuất; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Dự thảo Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam cũng nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện, như: Hoàn thiện cơ chế chính sách; Đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Kích cầu sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị và đặc biệt là Bảo vệ môi trường trong sản xuất. Dự thảo Chiến lược khẳng định không phê duyệt, cấp phép đầu tư mới, đầu tư mở rộng đối với các dự án đầu tư khi chưa có đánh giá tác động môi trường; đình chỉ sản xuất và thu hồi giấy phép đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn về môi trường; thực hiện kiểm tra, giám sát môi trường thường xuyên; giám sát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và an toàn lao động của các cơ sở khai thác nguyên liệu và sản xuất; yêu cầu các nhà máy tận dụng nhiệt khí thải lò nung trong sản xuất; thực hiện giám sát trực tuyến công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy bằng hệ thống thông tin điện tử và dữ liệu quan trắc.

Đối với công tác khai thác mỏ nguyên liệu, các cơ sở khai thác nguyên liệu cần phải đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; trồng cây xanh xung quanh khai trường, hạn chế sự phát tán của bụi; trong khai thác phải đảm bảo thực hiện theo thiết kế đã được duyệt, không khai thác bừa bãi để tránh hiện tượng sạt lở; thường xuyên bảo dưỡng duy tu hệ thống giao thông trong và ngoài khu mỏ; tiến hành hoàn nguyên môi trường bằng cách hoàn trả lại mặt bằng đã khai thác, xử lý nước thải, trồng lại thảm thực vật…

Đối với các nhà máy sản xuất, yêu cầu phải đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ điều khiển tự động hóa cao; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm tiếng ồn, giảm thiểu lượng bụi phát sinh trong sản xuất; áp dụng công nghệ sản xuất sạch; xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải, bụi xung quanh diện phát thải và kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý môi trường tại địa phương; sử dụng nhiệt khí thải để sấy, để phát điện đồng thời giảm lượng phát thải bụi và khí CO2; thường xuyên bảo dưỡng duy tu hệ thống giao thông trong nhà máy và hệ thống phục vụ vận chuyển nguyên, nhiên liệu, sản phẩm của nhà máy; các phương tiện vận tải nguyên liệu và sản phẩm cần nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về vận chuyển vật liệu để tránh tình trạng làm rơi vãi và văng đổ vật liệu trên đường vận chuyển.

Mai Hoa

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/phat-trien-ben-vung-vat-lieu-xay-dung-chu-trong-bao-ve-moi-truong-san-xuat-5466.html

In bài viết