12:53 | 27/02/2020

Thực trạng ô nhiễm, sạt, lở bờ, lấn chiếm các dòng sông

Thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nước ở các khu vực đầu nguồn còn tương đối tốt, một số ít khu vực có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại một số thời điểm và thường tập trung ở các khu vực có các hoạt động khai thác khoáng sản.
Thủ tướng nhất trí nguồn vốn hơn 3.000 tỉ đồng hỗ trợ chống sạt lở ĐBSCL
thuc trang o nhiem sat lo bo lan chiem cac dong song
Tình trạng sạt, lở bờ sông đang ngày càng gia tăng và phức tạp.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước chủ yếu ở vùng trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu/cụm công nghiệp, làng nghề), nhiều nơi ô nhiễm ở mức nghiêm trọng hơn như ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Cầu và Đồng Nai. Trên các lưu vực sông, mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào chế độ thủy văn dòng chảy (mức độ ô nhiễm thường tăng cao hơn vào mùa khô) và việc kiểm soát các nguồn thải đổ vào nguồn nước.

Nguồn nước tại các khu vực bị ô nhiễm hầu hết do các chất hữu cơ và vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép, tình trạng ô nhiễm hữu cơ diễn ra khá phổ biến tại nhiều lưu vực. Nguồn gây ô nhiễm nguồn nước các sông bao gồm: nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và một lượng không nhỏ chất thải rắn không được kiểm soát. Trong đó, lượng nước thải sinh hoạt, nông nghiệp (bao gồm cả nuôi trồng thủy sản) và công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu các loại hình nước thải phát sinh, xả ra các dòng sông.

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt trên tổng lượng nước thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông khá cao, chiếm đến trên 30%. Lượng nước thải phát sinh trên một đơn vị diện tích đất ở khu vực đô thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải của các hệ thống thoát nước và tiếp nhận nước thải tại các thành phố, ảnh hưởng lớn đến chất lượng các nguồn tiếp nhận.

Hiện nay, hệ thống thoát nước đô thị Việt Nam chủ yếu dùng chung cho cả thoát nước thải và nước mưa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn cho việc thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị. Trong các năm gần đây, số lượng công trình xử lý nước thải đô thị tập trung có tăng, tuy nhiên con số này còn rất nhỏ so với yêu cầu thực tế cần xử lý. Ở các đô thị lớn, tỷ lệ lượng nước thải được xử lý cao hơn các đô thị vừa và nhỏ nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được với tốc độ đô thị hóa hiện nay. Ở Hà Nội, mới có khoảng gần 30% tổng lượng nước thải sinh hoạt của thành phố được xử lý, trong khi tại Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ lượng nước thải sinh hoạt được xử lý mới khoảng hơn 10%. Nhiều nhà máy đã xây dựng xong hệ thống xử lý nhưng chưa hoàn thành hệ thống thoát nước, thu gom đồng bộ, dẫn đến các nhà máy chưa hoạt động hết công suất thiết kế.

Vấn đề sạt, lở bờ sông đang ngày càng gia tăng và phức tạp, chủ yếu diễn ra ở các tỉnh phía Nam. Diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tính đến năm 2018, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 562 điểm bờ sông, bờ biển đang bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km (26 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 65km). Tại nhiều khu vực, sạt lở đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển. Đến nay, chưa có kết quả điều tra, khảo sát chi tiết và định lượng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở bờ sông hiện đang trong quá trình nghiên cứu. Các số liệu phục vụ việc tính toán xác định cấp độ rủi ro thiên tai sạt lở bờ sông, như: diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng bờ bãi sông, diễn biến mực nước nước đất, quy hoạch kinh tế xã hội... còn thiếu, chưa đồng bộ.

Sạt lở, bờ sông là hậu quả của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, triều cường và các hoạt động nhân sinh như: khai thác cát, sỏi quá mức trên sông, phát triển thủy điện ở thượng nguồn làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu; cải tạo cảnh quan, phát triển đất ven sông v.v... Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm sông, xây dựng các công trình trong phạm vi lòng, bờ, bãi sông đang rộ lên như dự án sông Đồng Nai, dự án sông Hàn,... làm thu hẹp dòng chảy, làm gia tăng nguy cơ sạt lở lòng, bờ, bãi sông, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông.

Mai Hoa

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thuc-trang-o-nhiem-sat-lo-bo-lan-chiem-cac-dong-song-5600.html

In bài viết