09:18 | 09/03/2020

Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển

Ngày 05/3, Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết Trung ương 8 về Chiến lược phát triển kinh tế biển
ke hoach tong the phat trien ben vung kinh te bien
Trong 5 năm tới, sẽ xây dựng mô hình khép kín thu gom, phân loại, xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại tại các hải đảo.

Theo đó, Kế hoạch đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; phát triển kinh tế biển, ven biển; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Nhằm triển khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong 5 năm tới, đến năm 2025, Kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện, như nghiên cứu xây dựng và đưa vào hoạt động Quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng và thí điểm triển khai mô hình quản trị biển thông minh, tiên tiến ứng dụng công nghệ hiện đại tại một số đô thị lớn ven biển và các hải đảo; xây dựng và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, thí điểm phát triển du lịch sinh thái tại một số đảo xa bờ; ưu tiên đầu phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo; xây dựng mô hình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mô hình hệ sinh thái bền vững cho các biển, hải đảo.

Về vấn đề môi trường, Kế hoạch đưa ra các giải pháp, như đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường tại các địa phương có biển; xây dựng mô hình khép kín thu gom, phân loại, xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại tại các hải đảo; thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường; xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030...

Chính phủ yêu cầu Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW để báo cáo Chính phủ.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ke-hoach-tong-the-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-5682.html

In bài viết