15:23 | 20/03/2020

Chuyển đổi để thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển

Xây dựng kinh tế biển xanh phải là nền tảng và đóng vai trò trung tâm trong Chiến lược quốc gia về Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết Trung ương 8 về Chiến lược phát triển kinh tế biển
chuyen doi de thuc hien phat trien ben vung kinh te bien
Phát triển kinh tế biển xanh cần tư duy đột phá

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước....

Để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đòi hỏi các hoạt động phát triển của các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền. Theo đó, việc hạn chế phát triển các ngành sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường kết hợp cơ chế thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, nâng cao hiệu quả tài nguyên thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm, phát thải của ngành, lĩnh vực này là tài nguyên đầu vào cho các ngành, lĩnh vực khác sẽ giúp hạn chế phát thải ra môi trường, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm và các sự cố môi trường biển.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, để phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn thiên nhiên biển.

Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào giá trị tự nhiên, bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học thông qua mở rộng diện tích và lập mới các khu vực bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, ngập lụt, xâm nhập mặn do triều cường, nước biển dâng cho các vùng duyên hải; đồng thời, phải tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên. Cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo; năng lượng biển tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy và năng lượng sóng biển); từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế truyền thống như kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản; nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu;...

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, muốn phát triển bền vững kinh tế biển cần xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng bờ, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế biển xanh trên cơ sở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, dữ liệu biển giữa các quốc gia có nhiều thành tựu trong quản lý tổng hợp vùng bờ và phát triển kinh tế biển xanh. Mặt khác, phải thực hiện lồng ghép các mục tiêu của quản lý tổng hợp vùng bờ và sáng kiến phát triển kinh tế biển xanh vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển để đáp ứng các thách thức mới nổi trong quản lý tài nguyên, môi trường biển ở Khu vực và Việt Nam như: Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, gia tăng axit hóa đại dương, đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý (IUU fishing),…

Thúy Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/chuyen-doi-de-thuc-hien-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-5785.html

In bài viết