10:28 | 22/04/2020

Quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Bài 1: Tổng quan tình hình phát sinh chất thải y tế và công tác xử lý chất thải y tế trên địa bàn

Ước tính, khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu khoảng 395 kg/ngày, tương đương 144,175 tấn/năm. Chất thải y tế nguy hại phát sinh nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế và cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh.
Hà Nội xây dựng lộ trình xử lý chất thải y tế nguy hại đến năm 2020
bai 1 tong quan tinh hinh phat sinh chat thai y te va cong tac xu ly chat thai y te tren di a ban
Lai Châu đẩy mạnh xử lý rác thải y tế.

Những năm qua, hệ thống mạng lưới y tế của tỉnh Lai Châu ngày càng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hệ thống cơ sở y tế có phát sinh chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có: 03 bệnh viện tuyến tỉnh; 03 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh; 09 trung tâm y tế tuyến huyện, 04 đơn nguyên điều trị nội trú, 105 trạm y tế tuyến xã và 48 cơ sở hành nghề y tư nhân. Trong đó, 03 bệnh viện tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền; 03 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, gồm: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm pháp Y tỉnh, Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm; 09 trung tâm y tế tuyến huyện: Trung tâm Y tế huyện Mường Tè, Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên, Trung tâm Y tế thành phố Lai Châu, Trung tâm Y tế huyện Nậm Nhùn, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, Bệnh viện Đa khoa Sìn Hồ (cơ sở 2).

Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ ước tính khoảng 395 kg/ngày, tương đương 144,175 tấn/năm. Lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh chủ yếu từ các cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể như sau: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 75 kg/ngày, tương đương 27,375 tấn/năm; Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học Cổ truyền phát sinh từ 20 kg/ngày, tương đương 7,3 tấn/năm/bệnh viện; các trung tâm y tế huyện, khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh từ 20 kg/ngày (7 bệnh viện tuyến huyện bằng 140kg/ngày), tương đương 51,1 tấn /năm; các Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh phát sinh từ 6 kg/ngày, tương đương 2,19 tấn/năm; trạm Y tế xã/phường phát sinh khoảng 42 kg/ngày, tương đương 15,33 tấn/năm; 48 Phòng khám tư nhân phát sinh từ 92 kg/ngày, tương đương 33,58 tấn/năm;

Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng do các đơn vị khám chữa bệnh không ngừng phát triển, mở rộng dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật mới và nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Chất thải y tế nguy hại phát sinh nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế và cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh.

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.

Chất thải lây nhiễm gồm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác. Chất thải lây nhiễm sắc nhọn chiếm khoảng 12% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 47,4 kg/ngày. Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm: Chất thải thấm, dính, chứa máu, dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly... Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn chiếm khoảng 80% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 316 kg/ngày.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm: Mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp II trở lên theo quy định. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao chiếm khoảng 2% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 7,9 kg/ngày;

Chất thải giải phẫu bao gồm: Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm. Chất thải giải phẫu chiếm khoảng 3% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 111,85 kg/ngày;

Chất thải nguy hại không lây nhiễm gồm: Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại; Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng; Chất hàn răng amalgam thải bỏ. Chất thải nguy hại không lây nhiễm chiếm khoảng 2% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 7,9 kg/ngày.

Chất thải nguy hại khác chiếm khoảng 1% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 3,95 kg/ngày.

Công tác quản lý và năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 15 cơ sở y tế được trang bị lò đốt chất thải y tế nguy hại trong đó trên địa bàn thành phố Lai Châu có Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị lò đốt với công suất thiết kế 50 - 70kg/h và đầu tư thêm hệ thống hấp ướt công suất thiết kế 50-75kg/h, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện y học cổ truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đều được trang bị lò đốt với công suất thiết kế từ 5 - 25kg/h. Các Bệnh viện - Trung tâm Y tế tuyến huyện được đầu tư lò đốt với công suất 25kg/h để xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại cơ sở. Trung tâm Y tế huyện Than Uyên được trang bị thêm hệ thống hấp ướt với công suất 35kg/h. Tuy nhiên, một số lò đốt đã bị xuống cấp, hiệu quả thấp dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Còn lại các trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân chưa được trang bị lò đốt, phải xử lý bằng lò đốt thủ công hoặc chôn lấp không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Cả tỉnh Lai Châu chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Các cơ sở y tế phát sinh lượng chất thải ít không ký được hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải nguy hại tập trung tại các cơ sở y tế.

Thu Trang

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/bai-1-tong-quan-tinh-hinh-phat-sinh-chat-thai-y-te-va-cong-tac-xu-ly-chat-thai-y-te-tren-di-a-ban-5999.html

In bài viết