18:26 | 21/04/2020

Nhiều sai phạm tại Cụm Công nghiệp Kỳ Sơn, tỉnh Hải Dương

Kết luận thanh tra số 04/KL-STNMT của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương chỉ rõ có 9/10 cơ sở được thanh tra tại Cụm Công nghiệp Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ có hạn chế, vi phạm trong việc thuê đất, quản lý, sử dụng đất và môi trường.
nhieu sai pha m ta i cum cong nghiep ky son tinh hai duong
Doanh nghiệp hoạt động trong CCN Kỳ Sơn

Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 04/KL-STNMT ngày 15/5/2019 do Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hải Dương ban hành về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai của UBND huyện Tứ Kỳ tại Cụm Công nghiệp (CCN) Kỳ Sơn và việc chấp hành pháp luật đất đai của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN. Theo đó, sau khi thanh tra tại 10/17 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN Kỳ Sơn cho thấy, cơ bản các cơ sở đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thuê đất theo quy định, sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả. Tuy nhiên, có 9/10 cơ sở được thanh tra còn có hạn chế, vi phạm trong việc thuê đất, quản lý, sử dụng đất.

Theo Bản thuyết minh Quy hoạch chi tiết CCN Kỳ Sơn năm 2005 thì UBND huyện Tứ Kỳ đảm nhận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng đến tận năm 2019 UBND huyện Tứ Kỳ chưa thành lập Ban quản lý các CNN hoặc Trung tâm phát triển CNN để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kinh doanh hạ tầng theo quy định tại Quyết định số 3194/2007/QĐ-UBND ngày 07/9/2007 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quy định tạm thời về đầu tư kết cấu hạ tầng và quản lý hoạt động các CCN trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý CCN, Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BTC-BKHĐT của liên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý CCN hình thành trước quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Cũng theo Kết luận thanh tra số 04/KL-STNMT, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cả CCN; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung… từng cơ sở thuê đất trong CCN phải tự đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dẫn đến tình trạng manh mún, xé lẻ quy hoạch, khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường làm phát sinh đơn thư khiếu kiện của nhân dân.

nhieu sai pha m ta i cum cong nghiep ky son tinh hai duong
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong CCN Kỳ Sơn

Trong lần thanh tra này, Sở TNMT tỉnh Hải Dương đã phát hiện vi phạm tại Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải về việc chưa nộp tiền thuê đất đối với diện tích 30.300,2m2 được UBND tỉnh cho thuê từ năm 2012. Theo Công ty này cho biết, họ đang thực hiện thủ tục xin đối trừ tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB vào tiền thuê đất hàng năm tại Cục thuế tỉnh…

Công ty cổ phần Phúc Đạt tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đối với diện tích 9.800m2 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật CCN và được UBND huyện Tứ Kỳ tạm giao sử dụng (có bút phê, đóng dấu xác nhận của UBND huyện vào đơn đề nghị của Công ty ngày 10/5/2007). Đến 26/9/2013, Công ty được UBND tỉnh cấp GCN đầu tư điều chỉnh, cho phép sử dụng 9.800m2 đất nêu trên để đầu tư mở rộng dự án sản xuất xi măng trắng, ngói tuynel nhưng sau đó Công ty không hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. Ngày 19/10/2017, Công ty Phúc Đạt có văn bản trả lại 21.712/46.934m2 Công ty đã được cấp GCNQSĐ đất và trả lại 7.076/9.800m2 nêu trên. UBND tỉnh đã có các Quyết định 453, 454/QĐ-UBND ngày 29/01/2018 Quyết định chủ trương cho Công ty Sản xuất Vật liệu xây dựng Phú Yên đầu tư vào diện tích đất Công ty Phúc Đạt xin trả lại. Tuy nhiên, do có vướng mắc trong việc thế chấp tài sản trên đất giữa Công ty Phúc Đạt với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam nên đến nay UBND tỉnh chưa có quyết định thu hồi diện tích đất Công ty Phúc Đạt xin trả lại, Công ty Phúc Đạt cũng không hoạt động sản xuất trên điện tích này. Việc này dẫn đến để hoang hóa, gây lãng phí đất đai.

Ngoài công ty Phúc Đạt thì Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Sơn cũng được UBND tỉnh cho thuê 5.244m2 đất từ năm 2005 để đầu tư dự án kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng, sản xuất cọc bê tông đúc sẵn nhưng tại thời điểm thanh tra đã ký hợp đồng để hợp tác gia công may giầy trên diện tích 250m2, xây dựng, sử dụng 7 ki ốt vào mục đích cho thuê làm các dịch vụ khác không đúng nội dung dự án được phê duyệt.

3 cơ sở xây dựng công trình không đúng quy hoạch mặt bằng đươc phê duyệt là: Công ty CP Cơ khí và Môi trường An Nam; Công ty TNHH Đồng Tâm, Công ty CP Thuận Cường.

Cùng với đó, Sở TNMT tỉnh cũng phát hiện Công ty cổ phần Thuận Cường diện tích khoảng hơn 1900 m2 vi phạm hành lang bảo vệ sông Thái Bình, 500m2 vi phạm hành lang kênh Bá Liễu; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Huy diện tích khoảng hơn 230 m2 vi phạm hành lang kênh Bá Liễu.

Việc chưa có chủ đầu tư cụ thể tại CCN Kỳ Sơn, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cả CCN, nhiều sai phạm tại các doanh nghiệp trong CCN đã thể hiện sự kém hiệu quả và buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước tại CCN này.

Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

CCN Kỳ Sơn nằm giáp tỉnh lộ 191, thuộc địa bàn 2 xã Ngọc Sơn và Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3570/QĐ-UB ngày 10/8/2005, được điều chỉnh cục bộ tại Quyết định 3665/QĐ-UBND ngày 4/10/2018 với tổng diện tích 53,26ha.

Đức Trọng -  Thế Hiển

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nhieu-sai-pha-m-ta-i-cum-cong-nghiep-ky-son-tinh-hai-duong-6009.html

In bài viết