13:19 | 25/04/2020

Giải quyết bất cập trong quản lý chất thải: Kỳ vọng từ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), với nhiều điểm mới, quy định mới. Đặc biệt, Dự thảo Luật BVMT đưa ra nhưng thay đổi cơ bản để giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác quản lý chất thải.
Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi khá cơ bản, toàn diện và có nhiều điểm mới
giai quyet bat cap trong quan ly chat thai ky vong tu luat bao ve moi truong sua doi
Dự thảo Luật BVMT sửa đổi đưa ra yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó: Đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày. Đặc biệt, Dự thảo Luật BVMT đưa ra nhưng thay đổi cơ bản để giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác quản lý chất thải.

Cụ thể là, Dự thảo Luật đã giao cho ngành tài nguyên và môi trường làm đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Trong đó, quy định rõ nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia, nội dung chính bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, bao gồm phương án cụ thể về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ xử lý, phạm vi tiếp nhận chất thải để xử lý của khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung.

Dự thảo Luật có những quy định cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn, các công cụ kinh tế để thúc đẩy công tác giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đối với các cơ sở xử lý chất thải cần yêu cầu về vị trí cơ sở, nhân lực, công nghệ, biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố....để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Một số nguyên tắc dự kiến được luật hóa như, yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; người “người gây ô nhiễm phải trả tiền” dựa trên việc quy định theo khối lượng phát sinh; các ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định, không đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhà nước thực hiện lộ trình chấm dứt xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp trực tiếp. Đặc biệt là huy động sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, Tổ dân phố, cộng đồng dân cư..., đối với việc tổ chức thực hiện giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chính tại địa bàn cơ sở.

D. Phấn

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/giai-quyet-bat-cap-trong-quan-ly-chat-thai-ky-vong-tu-luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-6032.html

In bài viết