13:18 | 25/04/2020

Công trình bảo vệ môi trường Dự án Nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền - Ninh Bình

Mới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với Giai đoạn 1 của Dự án “Nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền - Ninh Bình, công suất 400.000 tấn/năm” tại Khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Công trình bảo vệ môi trường dự án DAP số 2
cong trinh bao ve moi truong du an nha may san xuat phan bon npk binh dien ninh binh
Nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền - Ninh Bình, công suất 400.000 tấn/năm.

Công trình thu gom và xử lý nước thải

Chủ đầu tư Dự án là Công ty Cổ phần Bình Điền - Ninh Bình đã xây dựng mạng lưới thu gom nước mưa chảy tràn bề mặt dọc theo tuyến đường nội bộ, sân công nghiệp của Nhà máy. Nước mưa được lắng sơ bộ tại các hố ga bố trí trên mạng lưới thu gom, sau đó chảy về hệ thống thoát nước mưa chung của Khu công nghiệp Khánh Phú, bằng phương thức tự chảy qua ba (03) điểm xả.

Đơn vị cũng đã xây dựng đường ống thu gom nước thải từ các nhà vệ sinh về bể tự hoại 3 ngăn; đã xây dựng đường ống thu gom nước thải từ các bể tự hoại 3 ngăn về mạng lưới thu gom nước thải chung, sau đó dẫn vào Trạm xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), công suất thiết kế 100 m3 /ngày.đêm để xử lý; đồng thời xây dựng đường ống thu gom nước thải từ khu vực nhà bếp, nhà tắm giặt của công nhân để đấu nối vào Trạm XLNTTT, công suất thiết kế 100 m3 /ngày.đêm để xử lý. Bố trí các thùng chứa dung tích 01m3 thu gom cặn nước thải (khối lượng khoảng 01 m3 /ngày.đêm) phát sinh từ quá trình xử lý khí thải (lò hơi và lò sấy) được vận chuyển về Trạm XLNTTT, công suất thiết kế 100 m3 /ngày.đêm để xử lý. Tiếp đó là xây dựng đường ống dẫn nước thải sau xử lý từ Trạm XLNTTT của Nhà máy về hệ thống đường ống thu gom nước thải chung của Khu công nghiệp Khánh Phú qua một (01) điểm xả, điểm xả nước thải được bố trí ngoài hàng rào của Nhà máy, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát.

Công trình xử lý nước thải của Dự án được xây dựng là trạm XLNTTT công suất thiết kế là 100 m3 /ngày.đêm, công nghệ xử lý sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ quá trình xử lý khí thải phát sinh tại giai đoạn 1 của Dự án, nước thải sau xử lý được thải vào hệ thống đường ống thu gom nước thải chung của Khu công nghiệp Khánh Phú để tiếp tục xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường.

Quy trình xử lý nước thải như sau: Nước thải Bể gom → Bể tách mỡ → Bể điều hòa → Bể thiếu khí → Bể hiếu khí → Bể lắng → Bể khử trùng → Hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Khánh Phú.

Chế độ vận hành: Liên tục.

Hóa chất sử dụng: NaOCl (9%).

Quy chuẩn đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý: QCVN 40:2011/BTNMT Cột B (theo Hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam).

Công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải

Về công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải lò hơi, đơn vị đã lắp đặt một (01) lò hơi công suất thiết kế 04 tấn hơi/giờ, sử dụng nhiên liệu đốt bằng than đá; bụi và khí thải được xử lý bằng dung dịch Ca(OH)2 trước khi thải ra ngoài môi trường. Quy trình xả khí thải như sau: Khí thải → Hệ thống trao đổi nhiệt làm nguội dòng khí → Hệ thống dập bụi bằng cyclone → Quạt hút → Dung dịch Ca(OH)2 → Thải ra ngoài môi trường.

Hóa chất sử dụng: Ca(OH)2;

Quy chuẩn đánh giá chất lượng khí thải sau xử lý: QCVN 19:2009/BTNMT cột B.

Về công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải lò sấy, đơn vị đã lắp đặt hai (02) lò sấy nóng của dây chuyền sản xuất NPK dạng 1 hạt hỗn hợp và dây chuyền sản xuất NPK dạng trộn hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu đốt bằng than đá; bụi và khí thải được xử lý bằng dung dịch Ca(OH)2 trước khi thải ra ngoài môi trường qua 02 ống khói. Quy trình xả khí thải như sau: Khí thải → Cyclone → Hệ thống phòng lắng bụi → Tháp dập bụi bằng dung dịch Ca(OH)2 → Thải ra ngoài môi trường.

Hóa chất sử dụng: Ca(OH)2;

Quy chuẩn đánh giá chất lượng khí thải sau xử lý: QCVN 19:2009/BTNMT cột B.

Công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

Chủ đầu tư đã bố trí các thùng chứa rác thải sinh hoạt có nắp đậy kín đặt tại khu vực văn phòng, nhà ăn để lưu chứa tạm thời rác thải sinh hoạt; đồng xây dựng kho chứa tạm thời rác thải sinh hoạt diện tích 33 m2 (kho chứa được làm bằng tôn, nền xây bằng gạch, có mái che), kho chứa chất thải rắn thông thường diện tích 100 m2 (có mái che, tường xây bằng gạch, đổ trần), kho chứa xỉ than thải ra từ quá trình đốt lò hơi và lò sấy, diện tích 135 m2 (kho có mái che, nền láng xi măng, tường xây cao 1,5 m).

Công trình, thiết bị lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại

Khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại (CTNH) có diện tích 198 m2 (có mái che, nền bê tông, tường bằng tôn), đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và biện pháp bảo vệ môi trường khác

Đơn vị đã lắp đặt hệ thống báo cháy, ngăn cháy; phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho giai đoạn 1 của Dự án, được Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ của Công an tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy số 26/16/TDPCCC-CN ngày 25 tháng 05 năm 2016. Bên cạnh đó, là thực hiện các biện pháp làm thông thoáng nhà xưởng bằng các quạt hút thông gió; trồng cây xanh và thảm cỏ quanh khuôn viên Nhà máy đúng diện tích đã được phê duyệt.

Chương trình giám sát môi trường

Thực hiện quan trắc, giám sát nước thải định kỳ với tần suất giám sát: 03 tháng/lần tại điểm đấu nối nước thải sau xử lý trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải chung của Khu công nghiệp Khánh Phú. Thông số giám sát và Quy chuẩn so sánh: Thực hiện theo quy định tại Hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam (QCVN 40:2011/BTNMT Cột B).

Chương trình quan trắc khí thải tự động, liên tục, thực hiện quan trắc tại ống khói lò hơi trước khi thải ra ngoài môi trường các thông số: Lưu lượng, nhiệt độ, áp suất, O2 dư, bụi tổng, SO2, NOx và CO; Tại ống khói lò sấy nóng các thông số: Lưu lượng, nhiệt độ, áp suất, O2 dư, bụi tổng, SO2, NOx, CO và NH3.

Chủ dự án phải có kế hoạch rà soát, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục tại ống khói lò hơi và lò sấy nóng, thời hạn hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2020 theo quy định của pháp luật. Hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục phải được lắp đặt, vận hành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, được kiểm định, hiệu chuẩn và có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình theo quy định. Chương trình quan trắc khí thải định kỳ chỉ thực hiện trong thời gian chủ dự án chưa hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, kiểm định, hiệu chuẩn và truyền nhận số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình theo quy định của pháp luật, tần suất giám sát 03 tháng/lần; vị trí tại ống khói lò hơi, thông số giám sát: Nhiệt độ, độ ẩm, bụi tổng, CO, SO2, Nox; 02 vị trí (ống khói lò sấy nóng 1 và ống khói lò sấy nóng 2), thông số giám sát: Nhiệt độ, độ ẩm, bụi tổng, CO, SO2, NOx và NH3. - Quy chuẩn so sánh: QCVN 19:2009/BTNMT cột B.

Giám sát môi trường lao động theo tần suất giám sát 06 tháng/lần tại Phân xưởng sản xuất 1 và phân xưởng sản xuất 2 (khi đi vào hoạt động). Thông số giám sát, Quy chuẩn/Tiêu chuẩn so sánh: Theo quy định của ngành y tế.

Bên cạnh đó, Chủ dự án thực hiện phân định, phân loại, thống kê, báo cáo khối lượng các loại chất thải rắn phát sinh theo quy định, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố như: Trạm XLNTTT, khu vực lò hơi, lò sấy... và báo cáo kịp thời tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để hướng dẫn, xem xét giải quyết khi xảy ra sự cố.

Chủ dự án phải rà soát, tính toán, lên phương án xây dựng hố ga hoặc bể gom để thu gom toàn bộ nước mưa chảy tràn bề mặt sân công nghiệp, đường nội bộ; lắp đặt đường ống, máy bơm tự động, bố trí đồng hồ đo lưu lượng để bơm nước mưa trong khoảng 15 phút đầu đưa về Trạm xử lý nước thải tập trung của Nhà máy để xử lý, đảm bảo nước mưa được thải ra ngoài môi trường không có thành phần ô nhiễm. Chủ dự án phải lập sổ nhật ký vận hành máy bơm, trong đó ghi rõ thời gian bơm, khối lượng nước (tính theo m3 ) và có chữ ký xác nhận của cán bộ vận hành; rà soát, tính toán thiết kế lắp đặt đường ống thu gom cặn nước thải từ quá trình xử lý khí thải lò hơi và lò sấy dẫn về TXLNTTT của Nhà máy để xử lý; đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường, ứng phó sự cố môi trường theo quy định….

Việt Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/cong-trinh-bao-ve-moi-truong-du-an-nha-may-san-xuat-phan-bon-npk-binh-dien-ninh-binh-6034.html

In bài viết