09:45 | 25/05/2020

Xây dựng chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Ngày 22/5, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với UNDP Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Kết quả nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn (KTTH) và một số đề xuất chính sách”. Tham dự có đại diện các cơ quan liên quan thuộc Bộ TN&MT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu và doanh nghiệp quan tâm đến KTTH.
Phát triển năng lượng quốc gia gắn với thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
xay dung chinh sach phat trien kinh te tuan hoan tai viet nam
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT phát biểu tại hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, ở Việt Nam, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ra ô nhiễm môi trường. Để phát triển nhanh, bền vững, hướng đi thích hợp là chuyển đổi sang KTTH. Viện Chiến lược Chính sách TN&MT đang nghiên cứu để tư vấn cho lãnh đạo Bộ TN&MT có những nhận định, đề xuất lên Trung ương đảng liên quan đến chiến lược sắp tới, trong đó có nội dung về kinh tế tuần hoàn. Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có những kết quả bước đầu.

Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu (UNDP Việt Nam), dù chưa có cách tiếp cận một cách hệ thống nhưng tại Việt Nam đã có mô hình thực tiễn về KTTH, rải rác các quan điểm về KTTH trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững với môi trường. Hiện là thời điểm thuận lợi để hệ thống hóa một cách bài bản hơn các vấn đề liên quan đến KTTH, chuẩn bị đưa vào chiến lược phát triển 10 năm tới.

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo phân tích “Nghiên cứu các điển hình và thực tiễn tốt nhất – Thực hiện Kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh Việt Nam”. Về khái niệm và nội hàm, KTTH là mô hình kinh tế mà trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ nhằm kéo dài tuổi thọ của vật liệu, đồng thời giảm thiếu các tác động tiêu cực tới môi trường. Một vòng tuần hoàn gồm các khâu: Thiết kế - Sản xuất – Tiêu dùng – Quản lý chất thải – Từ chất thải trở lại thành tài nguyên.

Nghiên cứu đã chọn ra 3 lĩnh vực điển hình là nhựa, nông nghiệp và thực phẩm, xây dựng. Trên cơ sở kinh nghiệm thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, nghiên cứu đã chỉ ra các thách thức trong mỗi khâu của vòng tuần hoàn và đề xuất một số giải pháp xây dựng kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu, tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều có thể thực hiện KTTH. Và để làm được điều này, Việt Nam cần hệ thống hóa các khâu của KTTH trong các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh giáo dục đào tạo về KTTH và áp dụng các quy định về thành phần tái chế; thí điểm và mở rộng phân loại rác tại nguồn; phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp và sản phẩm tái chế; xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH và phát triển công nghệ.

Trình bày về đề xuất một số chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ông Hoàng Thành Vĩnh, đại diện UNDP Việt Nam cho rằng, quan điểm chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới cần nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn là hướng đi duy nhất để đảm bảo ổn định và phát triển bền vững đất nước trong dài hạn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến thị trường vật liệu và tài nguyên.

Luật Bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi cần thiết phải có định nghĩa rõ ràng súc tích, thực tiễn về kinh tế tuần hoàn. Trong Luật xác định các lĩnh vực ưu tiên và xây dựng một lộ trình thực tế, với mục tiêu, nội dung và các tiêu chí giám sát rõ ràng đối với các lĩnh vực ưu tiên qua 5 giai đoạn của kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý hiệu quả cho việc tái chế và chất thải.

xay dung chinh sach phat trien kinh te tuan hoan tai viet nam
Toàn cảnh hội thảo

Một số chính sách khác có liên quan cần được xây dựng như kế hoạch/lộ trình thực hiện KTTH, tiêu chí đánh giá/giám sát; tiêu chí đánh giá cơ sở/tổ chức thực thi và cơ chế khuyến khích… cùng với đó là các giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất các nội dung nhằm làm rõ và hoàn thiện nghiên cứu.

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/xay-dung-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tai-viet-nam-6189.html

In bài viết