15:27 | 26/05/2020

Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Ngày 23/5, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW của Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội thảo "Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Thúc đẩy phát triển bền vững thành phố Cần Thơ
phat trien ben vung thanh pho can tho den nam 2030 tam nhin 2045
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia đã cùng nhau phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ cũng như những kết quả mà thành phố Cần Thơ đã đạt được trong 15 năm qua đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế các chính sách, nguồn lực nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn để giúp thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới đúng như tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là thành phố trung tâm động lực của vùng Tây Nam bộ.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, muốn phát triển thành phố Cần Thơ, cần phải gắn chặt với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và phức tạp hơn so với dự kiến. Mặt khác, thành phố Cần Thơ còn có nguồn lực rất lớn về đất đai nông nghiệp và nguồn lực về con người nhưng chưa được khai thác hiệu quả mà địa phương cần phải lưu ý.

Mặc dù hiện nay giá trị của các lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ của thành phố Cần Thơ chiếm trên 92%, lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn khoảng hơn 7,7% nhưng giá trị gia tăng của công nghiệp, thương mại không cao, công nghiệp có quy mô còn nhỏ, năng suất không cao... Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của thành phố hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là kết cấu giao thông còn yếu, các hạ tầng khác như hạ tầng về kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực mặc dù có bước phát triển lớn so với trước đây nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thành phố cần phải chọn riêng cho mình hướng phát triển cho phù hợp. Các khu, cụm công nghiệp phát triển chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa có khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao; các ngành công nghiệp mới, hiện đại chưa phát triển. Ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng ĐBSCL; dịch vụ logistics chậm phát triển; sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, chưa thể hiện rõ vai trò sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, trình độ sản xuất và ứng dụng công nghệ không cao... Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hai yếu tố quan trọng đối với Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay là lựa chọn công nghệ để phát triển phù hợp với lợi thế là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thứ hai là phát triển dịch vụ, nhưng là dịch vụ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo để làm sao Cần Thơ trở thành trung tâm cung cấp các giải pháp về khoa học, công nghệ trong tất cả lĩnh vực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kể cả là nông nghiệp...

Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Trần Quốc Trung nhận định, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đến nay nhiều mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết 45 đã được triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá, giai đoạn 2006-2019 đạt mức bình quân 7,23%/năm, cao hơn mức tăng trung bình cả nước. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng (năm 2019), tăng 7 lần so với năm 2005. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long ở một số lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, an sinh xã hội được đảm bảo...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị còn một số mặt chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp, đang là điểm nghẽn trong liên kết, phát triển vùng, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại... Vì vậy, Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, là trung tâm, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ cơ bản là chuyển đổi về mô hình kinh tế sinh thái, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với một đô thị đặc trưng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nghề của thành phố dựa trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao và luôn gắn định hướng phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cùng với ứng phó với những tác động ngoại biên đến thành phố, biến những thách thức thành cơ hội cho phát triển.

Thuý Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/phat-trien-ben-vung-thanh-pho-can-tho-den-nam-2030-tam-nhin-2045-6192.html

In bài viết