11:42 | 06/06/2020

Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh, thân thiện môi trường

Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, phối hợp với Công ty Môi trường Lam Sơn đã nghiên cứu, chế tạo thành công công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh, thân thiện với môi trường.
Mô hình “Sinh kế” thu gom, phân loại và ủ rác thải sinh hoạt ở thị trấn Thứa
mo hinh xu ly rac thai sinh hoat bang cong nghe vi sinh than thien moi truong
1 tấn rác thải sinh hoạt, sau khi xử lý sẽ thu được 200 – 300 kg mùn hữu cơ.

Bước đầu, công nghệ này mang lại những kết quả rất tích cực như: trong quá trình xử lý không hề phát sinh mùi hôi, không xuất hiện nước rỉ rác, không ruồi muỗi, khối lượng rác thải phải đốt hoặc chôn lấp giảm đáng kể, không những vậy, chi phí đầu tư ban đầu thấp, sản phẩm thu hồi hoàn toàn có thể tạo giá trị kinh tế cao, đặc biệt hiệu quả với những bãi rác vốn đã quá tải hiện nay như: bãi rác Đông Nam, Sầm Sơn… với công suất từ 30 – 1000 tấn/ngày.

Công nghệ xử lý rác thải của Công ty Môi trường Lam Sơn đặt tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Dây chuyền xử lý gần như hoàn toàn tự động bằng máy móc, băng tải, công nhân vận hành nhẹ nhàng chỉ cần 4 người là đủ cho công suất 50 tấn/ngày. Quy trình công nghệ gồm 3 công đoạn chính: Xé bao, ủ vi sinh và sàng phân loại.

Đầu tiên là công đoạn xé bao, rác vận chuyển về phần lớn được chứa trong các túi PP hoặc PE nên phải có công đoạn xé bao bằng thiết bị xé bao để thuận lợi cho công đoạn ủ vi sinh, đảm bảo rác được tiếp xúc với vi sinh. Công đoạn ủ vi sinh là khâu quan trọng nhất bởi chế phẩm vi sinh phân hủy xenlulo và xenlulozo, được hoà tan trong nước (1kg chế phẩm hòa trong 100 lít nước), phun đều vào rác theo từng lớp, 1kg chế phẩm sử dụng được cho 5 tấn rác. Rác được đánh đống ủ trong 20 - 25 ngày, sau đó rác được đảo trộn rồi ủ tiếp 20 - 25 ngày nữa. Nhờ chế phẩm vi sinh mà nhiệt độ trong đống rác ủ sẽ lên tới 70 -80 độ C giúp cho độ ẩm của rác từ 90 - 80% giảm xuống còn 30%. Rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải và được tách thành 3 loại: Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh…); nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế. Nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế được đưa qua hệ thống quạt thổi, hút để tách riêng nilon và nhựa đưa đi tái chế, rác hữu cơ không thể tái chế đưa vào lò đốt.

Với công suất xử lý hiện tại là 50 tấn/ngày, diện tích đất cần cho công nghệ xử lý từ 0,5 - 1 ha. Trung bình 1 tấn rác sau phân loại thu được 200 - 300kg mùn hữu cơ; 100 - 150kg nilon, nhựa; 100 - 150kg rác hữu cơ không thể tái chế phải đốt; 100 - 150kg rác thải vô cơ làm vật liệu san lấp hoặc đốt. Ngoài những ưu điểm về thân thiện với môi trường, công nghệ này còn có giá thành đầu tư ban đầu thấp (khoảng 1 tỷ đồng), sản phẩm thu hồi có giá trị kinh tế cao, cụ thể như nilon, nhựa thu hồi có thể bán ngay với giá 1 - 1,5 triệu đồng/tấn, mùn hữu cơ với giá 200.000 - 300.000 đồng/tấn).

Khu vực dây chuyền xử lý không hề có mùi hôi thối hay ruồi muỗi, không gây ô nhiễm như các lò đốt hay chôn lấp thủ công. Vì đây là phương pháp xử lý vi sinh được làm từ dạ dày bò nên chế phẩm này thân thiện với môi trường. Chất thải nhựa và túi nilong được phân loại riêng, lượng rác thải phải đốt đã giảm chỉ còn 30.

Công nghệ này không chỉ giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường tại các bãi tập kết, chôn lấp, xử lý rác thải mà còn đem lại lợi ích kép khi biến rác thành tài nguyên. Và nếu quy trình được thực hiện bài bản thì nguồn rác có thể được dùng làm nguyên liệu cho các hoạt động tái chế nhựa, sản xuất phân bón và vật liệu xây dựng.Chính vì vậy, công nghệ này đã được thử nghiệm thành công tại các huyện: Nga Sơn, Nông Cống và Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa.

Quang Minh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/mo-hinh-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-bang-cong-nghe-vi-sinh-than-thien-moi-truong-6251.html

In bài viết