14:28 | 17/06/2020

Tinh thần chống ô nhiễm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh trước Quốc hội, chúng ta phải có quan điểm “chống ô nhiễm môi trường như chống giặc”, bảo đảm cuộc sống và sức khoẻ nhân dân.
Thu phí xử lý rác thải theo khối lượng: Xin đừng bàn ngang
tinh than chong o nhiem cua bo truong bo tai nguyen va moi truong
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Lê Sơn

Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày, làm rõ giải pháp đối với 3 vấn đề chính về an ninh tài nguyên nước, quản lý tài nguyên đất và bảo vệ môi trường.

Điểm qua những kết quả mà ngành Tài nguyên & Môi trường đã đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 97% diện tích cần cấp, rút ngắn 1/2-1/3 thời gian đăng ký biến động cho người dân sử dụng đất thực hiện các quyền cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng, góp vốn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với ngành Tài nguyên & Môi trường tăng 13% so với năm 2016, nằm trong top 10 bộ, ngành của cả nước. Tổng thu của ngân sách trong nước mà ngành đóng góp từ 15-20%, gần 73.000 ha đất đai trước đây để lãng phí đến nay đã được vào sử dụng, khai thác, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.

Về công tác quản lý tài nguyên nước, Bộ đã nghiên cứu và xác định được những bước đi và giải pháp. Nguồn nước ở Việt Nam là khá phong phú, tuy nhiên hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào Việt Nam lượng nước khoảng 520 tỷ m3, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm. Trong khi đó, lượng nước nội địa thì tỷ lệ người dân được sử dụng lại thấp hơn bình quân so với khu vực và thế giới.

Chúng ta còn nhiều vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra, đó là vấn đề tác động kép do biến đổi khí hậu làm cho việc phân bổ nguồn nước không đều theo vùng địa lý, theo mùa dẫn đến việc phát triển kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, nếu không thay đổi cơ cấu phát triển nền kinh tế thì không đảm bảo được sự phát triển bền vững.

Hiệu quả sử dụng nước của chúng ta cũng ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, cần xem xét lại các quy định để xem xét rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước. Cần phải làm rõ nguồn lực đầu tư cho hạ tầng như quan trắc, dữ liệu; vấn đề quy hoạch; làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, chủ động triển khai hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác song phương, hợp tác đa phương thông qua hợp tác Mê Kông, Mê Kông - Lan Thương.

Về quản lý tài nguyên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trước các vấn đề vướng mắc, khó khăn về đất đai, Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trình sửa một số điều của Luật Đất đai. Đến nay hầu hết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được tiếp thu, sửa đổi trong các Luật như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và trong 2 Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, là Nghị quyết 60 liên quan đến quản lý đất đai trong các lĩnh vực cổ phần hoá và 10 nghị định của Chính phủ để thực hiện triển khai việc tổ chức triển khai Luật đất đai năm 2013.

Bộ Chính trị đã có Kết luận 36 khẳng định phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi toàn diện cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai. Việc sửa đổi liên quan đến nhiều đối tượng nên phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận cho đến thực tiễn.

Về vấn bảo vệ môi trường được các đại biểu Quốc hội đưa ra, đặc biệt là ý kiến của nhiều nhà khoa học và nhân dân đã được Chính phủ nhận diện và thực hiện cam kết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này. Luật Bảo vệ môi trường sẽ gắn đến mục tiêu thay đổi một cách toàn diện để đạt được mục tiêu các thành phần môi trường đang ô nhiễm, xu thế suy thoái môi trường mất cân bằng môi trường hiện nay phải đảo ngược, đảm bảo quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành và thể chế hoá toàn bộ quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Với quan điểm “Lấy môi trường là mục tiêu phát triển”, nhiều vấn đề thiết thực, cụ thể và sát sườn với người dân được xem xét như vấn đề về nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, người gây ô nhiễm phải trả tiền; người được sử dụng dịch vụ về môi trường phải chi trả đã được thể hiện trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Qua đó Chúng ta cần có sự tham gia của Nhà nước trong đầu tư xử lý các vấn đề môi trường do lịch sử đề lại. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong tổ chức, thực hiện. Đồng thời, khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, đoàn thể…

Theo ông Hà, chất thải không phải hoàn toàn là chất thải mà còn là tài nguyên, 40% chất thải là tài nguyên sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng. “Việc xử lý này người dân tham gia trực tiếp sẽ có lợi về vấn đề bảo đảm môi trường”. Việc này sẽ có lợi về mặt kinh tế vì khi xử lý như vậy sẽ thu được tài nguyên từ chất thải tái chế, tái sử dụng.

“Chúng ta phải có quan điểm đảm bảo môi trường và chống ô nhiễm môi trường như chống giặc”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thu Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tinh-than-chong-o-nhiem-cua-bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-6309.html

In bài viết