13:53 | 05/08/2020

Áp dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt

Nhằm đảm bảo các tiêu chí về môi trường theo quy định, để các địa phương có định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cho các nhà đầu tư, cũng như để nhân dân tin tưởng vào sự đảm bảo môi trường sống của nhân dân, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có những khuyến cáo về việc áp dụng các công nghệ xử lý CTRSH tập trung.
Tăng cường công tác quản lý rác thải sinh hoạt
ap dung cong nghe xu ly rac thai sinh hoat
Thúc đẩy triển khai công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, thân thiện môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, trong thời gian qua, chất thải rắn phát sinh có xu hướng gia tăng đã và đang gây áp lực đến môi trường, trong đó nổi cộm là vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, công nghệ sản xuất phân vi sinh, công nghệ đốt và một số ít là tái chế, nhưng chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp (chiếm khoảng 70% lượng chất thải được thu gom). Đối với công nghệ xử lý CTRSH đã và đang triển khai thì hầu hết là các lò đốt công suất nhỏ (chưa đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt - QCVN 61-MT: 2016/BTNMT), chưa tích hợp hệ thống thu hồi năng lượng hoặc phát điện. Vấn đề triển khai công nghệ xử lý CTRSH vẫn còn bất cập, việc lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH còn chưa đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Trước thực tế đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường trong đó có nội dung về công nghệ xử lý CTRSH.

Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định công nghệ xử lý CTRSH mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì tổ chức thẩm định một số công nghệ xử lý CTRSH. Nhưng hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí cụ thể; thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý CTRSH.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, trong đó đã quy định nội dung về công nghệ xử lý CTRSH tại Mục II Chương IV

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến (hạn chế chôn lấp), trong đó tập trung vào một số nội dung sau: Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tổ chức lựa chọn, đánh giá và công bố công nghệ xử lý CTRSH theo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT. Trên cơ sở thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý CTRSH và kết quả xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án xử lý CTRSH, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành, cập nhật danh mục công nghệ xử lý CTRSH, công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam; tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tại Tờ trình số 27/TTr-BTNMT ngày 20 tháng 7 năm 2020). Việc ban hành, triển khai Đề án, Chỉ thị nêu trên sẽ bao gồm các giải pháp tổng thể, toàn diện để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam cũng như thúc đẩy triển khai công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, thân thiện môi trường, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trên các tỉnh, thành phố cả nước.

Thúy Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ap-dung-cong-nghe-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-6560.html

In bài viết