14:05 | 14/10/2020

Hà Nội:

Phát huy hiệu quả một số nhà máy xử lý nước thải

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào vận hành một số nhà máy xử lý nước thải, bước đầu phát huy hiệu quả trong việc xử lý nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm làng nghề.
Hà Nội: Thúc đẩy tiến độ các Dự án trọng điểm
phat huy hieu qua mot so nha may xu ly nuoc thai
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã hoàn thành và đưa vào hoạt động một số nhà máy xử lý nước thải, như: Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà do Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền đầu tư theo hình thức xã hội hóa, công suất 20.000 m3/ngày đêm, xử lý nước thải cho các làng nghề Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu (huyện Hoài Đức).

Đây là công trình xử lý nước thải làng nghề đầu tiên tại TP. Hà Nội đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, triển khai theo nội dung Quyết định 57/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 và Quyết định số 613 6/QĐ-UBND của UBND Thành phố về việc phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nhà máy đã hoàn thành từ tháng 10/2016, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đặt hàng Công ty Phú Điền quản lý vận hành nhà máy xử lý nước thải đạt quy chuẩn cột B QCTĐHN 02:2014/BTNMT về nước thải công nghiệp trước khi xả thải ra môi trường.

Trong quý IV/2017 và năm 2018, Nhà máy đã xử lý 2.476.860 m3 nước thải; năm 2019 đã xử lý 2.451.393 m3 nước thải; 8 tháng đầu năm 2020 đã xử lý 1.907.441 m3 nước thải đạt quy chuẩn.

Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đánh giá, Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà hoạt động ổn định liên tục đã góp phần giải quyết trực tiếp vấn đề nước thải làng nghề và nước thải sinh hoạt trên địa bàn các xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai (huyện Hoài Đức), nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, nước thải sau xử lý được tái sử dụng để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp nhằm phát triển bền vững các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức nói riêng và góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy nói chung.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Nhà máy này được đầu tư theo hình thức BT do Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền là nhà đầu tư với công suất 15.000m3/ngày đêm.

Hiện nay thành phố Hà Nội đang triển khai các thủ tục nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây lên 74.000m3/ngày đêm để bảo đảm thu gom, xử lý triệt để nước thải sinh hoạt trên lưu vực S3 và khu vực xung quanh hồ Tây, không để nước thải chưa qua xử lý tràn vào hồ, xử lý nước thải đạt quy chuẩn để bảo tồn hệ sinh thái Hồ Tây.

Ngoài hai nhà máy xử lý nước thải trên, Hà Nội cũng đang hoàn thiện Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Nhà máy này được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, công suất 270.000m3/ngày đêm, được khởi công đầu tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính truyền thống AO. Đây là công nghệ phổ biến trên thế giới, áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn. Sau khi đưa vào vận hành, dự án sẽ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và 1 phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông.

Nước thải sau khi được xử lý tại các Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, Yên Xá một phần sẽ được sử dụng để bổ cập nước, tái tạo dòng chảy làm sống lại sông Tô Lịch, cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng đời sông nhân dân.

Liên quan đến công tác xử lý nước thải làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 3/2020, trên địa bàn Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã. Hiện có 26 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải. Từ năm 2011 đến nay, hằng năm Sở đều tổ chức các đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp công nghiệp (trung bình 20 doanh nghiệp /năm). Qua các đợt kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là đối với các doanh nghiệp tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn có thâm niên hoạt động.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/phat-huy-hieu-qua-mot-so-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-6918.html

In bài viết