14:01 | 14/10/2020

Hướng dẫn phương pháp xác định chi phí biên giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thép

Đó là nội dung Hội thảo tập huấn do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL), Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội - một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Thí điểm NAMA tạo tín chỉ carbon, xây dựng hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường carbon trong lĩnh vực thép”, thuộc Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường carbon ở Việt Nam (Dự án VNPMR) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Kết quả ban đầu thí điểm hoạt động tạo tín chỉ carbon tại một số doanh nghiệp thép
huong dan phuong phap xac dinh chi phi bien giam phat thai khi nha kinh trong nganh thep

Hình ảnh tại buổi tập huấn

Cùng với Hội thảo tập huấn Hướng dẫn phương pháp xác định chi phí biên giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thép, các chuyên gia cũng hướng dẫn thực hành hệ thống giám sát, báo cáo, thẩm tra (MRV) phù hợp cho cơ quan quản lý và các bên liên quan.

Đây là Hội thảo tập huấn thứ 8 trong chuỗi hoạt động hội thảo, đào tạo, tập huấn của Hợp phần thép và được sự đón nhận tham gia tích cực của các đại biểu đến từ các bộ ngành liên quan, các cơ quan phát triển quốc tế, các Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực phía bắc, các doanh nghiệp ngành thép, các chuyên gia từ các hiệp hội ngành nghề, viện nghiên cứu, các trường đại học, …

Dự án VNPMR do Ngân hàng Thế giới tài trợ được xây dựng từ năm 2016 và đưa vào triển khai từ cuối năm 2018, đang đi tới chặng đường cuối cùng của giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường carbon, hướng tới giai đoạn triển khai thực hiện tiếp theo vào những năm sau. Với sự đồng hành của các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan, các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế lĩnh vực thép, và rất nhiều những doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, dự án hợp phần Thép của Bộ Công Thương đã đạt được một số thành quả ban đầu tương đối khả quan, đặc biệt trong công tác tính toán giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thép. Những thành quả bước đầu này vẫn đang được đội ngũ chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Ở các quốc gia phát triển, kiểm soát và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đã và đang được thực hiện thông qua nhiều cơ chế, chính sách vừa có tính chất bắt buộc, vừa có tính tự nguyện. Đó là các quy định về hạn ngạch phát thải, cơ chế mua bán tín chỉ giảm phát thải và chế tài xử phạt khi doanh nghiệp vi phạm mức phát thải mà không mua các tín chỉ giảm phát thải để đảm bảo không vượt quá hạn ngạch được giao. Với cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quy định về giảm phát thải khí nhà kính không dừng lại ở các nước phát triển nữa mà nó bao trùm cho toàn bộ các quốc gia tham gia Công ước khí hậu.

Theo dự báo, năm 2030, ngành thép phát thải 65,57 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 8,5% tổng phát thải của cả nước. Trong lộ trình thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam, ngành thép với tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính lớn đóng một vai trò rất quan trọng. Tại Hội thảo tập huấn, các chuyên gia của dự án hợp phần thép đã đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về chi phí biên giảm phát thải, giới thiệu công cụ MACC BUILDER PRO và khái quát về định giá carbon và các tác động tới việc đầu tư các dự án giảm phát thải, cũng như hướng dẫn thực hành hệ thống giám sát, báo cáo, thẩm tra phù hợp áp dụng cho ngành thép và một số ngành tương tự.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tập huấn đã thực hành phân tích chi phí biên giảm phát thải khí nhà kính, tích cực thảo luận lựa chọn giải pháp phù hợp đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong ngành thép. Đây là những thông tin và kiến thức nền tảng quan trọng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu cũng như các nhà quản lý trong lộ trình Việt Nam chuẩn bị tham gia và tiến tới tham gia vào thị trường carbon.

Việt Quang

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/huong-dan-phuong-phap-xac-dinh-chi-phi-bien-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-nganh-thep-6933.html

In bài viết