09:15 | 29/10/2020

Bộ Công Thương:

Tăng cường công tác quản lý an toàn hồ đập thuỷ điện

Trước tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, các nhà máy thuỷ điện cần tiếp tục bám sát tình hình thời tiết, để xây dựng các kịch bản ứng phó; thực hiện nghiêm các quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định và tình hình thực tế tại địa phương; Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống.
Quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện
tang cuong cong tac quan ly an toan ho dap thuy dien
Lãnh đạo Công ty CP Thuỷ điện A Vương báo cáo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng - Trưởng đoàn công tác của Bộ Công Thương trong đợt kiểm tra công tác quản lý an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai tại một số thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Trong đợt mưa vừa qua, từ ngày 5-12/10, tổng lượng mưa Hà Tĩnh, Bình Định là trên 500 mm, Quảng Trị có nơi 1.800 mm, Quảng Nam 1.400 mm. Đặc biệt Thừa Thiên - Huế có nơi đạt trên 2.000 mm. Chỉ trong hơn 1 tuần, lượng mưa tại tỉnh này xấp xỉ bằng cả mùa mưa ở đây, gây ngập lụt nhiều vùng, thiệt hại nặng về tài sản, người.

Khu vực miền Trung có địa hình dốc, mỏng. Trong khi đó đa số là các hồ nhỏ, đập tràn tự do và không có dung tích phòng lũ. Còn các hồ lớn như: Sông Tranh, Quảng Trị, A Vương, A Lưới… đều có dung tích phòng lũ từ 30-150 triệu m3; được quy định mức đón lũ. Các hồ này hiện đều duy trì mức đón lũ để làm chậm, giảm lũ hạ du.

Trong các mùa lũ, Bộ Công Thương đều có các văn bản chỉ đạo điều hành vận hành các hồ đúng quy định, thông báo tới hạ du, phối hợp với chính quyền địa phương để giảm thiểu tác động tới hạ du. Bộ Công Thương cũng liên tục theo dõi mực nước, lưu lượng nước về hồ để có báo cáo với Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai về điều hành các hồ chứa.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã kiểm tra thực tế hoạt động vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập tại Nhà máy Thủy điện Thủy điện A Vương, Thủy điện Sông Bung 4 (Quảng Nam) bao gồm các công trình đầu mối, các hạng mục công trình quan trọng của nhà máy như: Đập chính, cửa lấy nước, các tổ máy, nhà vận hành…

Ngay sau khi kiểm tra thực tế, Đoàn công tác đã làm việc với ban lãnh đạo hai nhà máy nêu trên và các đơn vị liên quan. Trong đó tập trung vào công tác đảm bảo an toàn hồ đập; vận hành hồ chứa; công tác tổ chức trực ban/ứng trực của Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); xử lý các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là các tình huống xả lũ khẩn cấp; Công tác báo cáo, phối hợp với địa phương, Ban chỉ chuy PCTT & TKCN tỉnh trong việc vận hành hồ chứa; Công tác chuẩn bị các thiết bị vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu tại chỗ phục vụ công tác phòng chống thiên tai như nguồn lực tại chỗ, hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng, nhất là các tình huống khẩn cấp.

Trên cơ sở thị sát và báo cáo của các đơn vị, các thành viên đoàn công tác cũng đã đóng góp ý kiến về công tác quản lý an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai, mưa lũ nhằm giúp các đơn vị hoàn thiện các phương án ứng phó hiệu quả thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, việc vận hành, xả lũ của các nhà máy thủy điện cần phải được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho người dân hạ du cũng như các công trình thuỷ điện.

Kết quả vận hành quy trình liên hồ chứa từ đầu năm đến nay và kiểm tra thực tế cho thấy đến thời điểm này các thuỷ điện như A Vương, Sông Bung 4 đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn hồ đập. Tuy nhiên các đơn vị cũng cần lưu ý đến vấn đề dự báo lũ, lượng nước về, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng; lưu ý vấn đề sạt trượt khối lượng lớn trên đường giao thông, đường vận hành để có phương án ứng phó, tránh bị cô lập; tăng cường hơn nữa ứng trực trong thời kỳ cao điểm; chuẩn bị tốt phương tiện liên lạc, đồng thời cần đẩy mạnh vấn đề thông tin tuyên truyền, cảnh báo cho người dân biết để có phương án ứng phó.

tang cuong cong tac quan ly an toan ho dap thuy dien
Sơ đồ minh hoạ các nhà máy thuỷ điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam).

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã ghi nhận công tác phối hợp nhịp nhàng với địa phương triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai của hai nhà máy thuỷ điện, đặc biệt là công tác quản lý vận hành, đảm bảo an toàn công trình cũng như đã góp phần cắt giảm 50% lũ trong những đợt mưa bão từ đầu năm, hạn chế thiệt hại cho hạ du. Tuy nhiên, trước tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, các nhà máy thuỷ điện cần tiếp tục bám sát tình hình thời tiết, để xây dựng các kịch bản ứng phó; thực hiện nghiêm các quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định và tình hình thực tế tại địa phương; Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống; đồng thời, tăng cường phối hợp, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời cho chính quyền, người dân vùng hạ lưu biết phòng, chống.

Thứ trưởng cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp, nhất là Sở Công Thương cần căn cứ tình hình thực tiễn, tăng cường phối hợp, chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ các chủ hồ thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về PCTT&TKCN, trong đó có vấn đề an toàn hồ đập.

Quang Minh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-an-toan-ho-dap-thuy-dien-6972.html

In bài viết