16:43 | 03/11/2020

Sạt lở ở miền Trung xuất phát từ yếu tố nội sinh

Báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng) chiều ngày 01/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, nguyên nhân nội sinh là lý do chính dẫn đến sạt lở ở các tỉnh miền Trung thời gian qua.
Thủ tướng thị sát "điểm nóng" sạt lở tại ĐBSCL
sat lo o mien trung xuat phat tu yeu to noi sinh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Quang Hiếu

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 9, có tên quốc tế Molave, là cơn bão lớn, đặc biệt nguy hiểm, là cơn bão lịch sử trong 20 năm qua trực tiếp tác động vào Miền Trung nước ta (tương đương cơn bão Xangsane năm 2006). Thời gian lưu bão rất dài 6-7 tiếng. Cơn bão số 9 đổ bộ sau thời gian nhiều ngày mưa lũ khu vực miền Trung đã bị tổn thương rất nặng nề, đặc biệt các tác động thiên tai dồn dập trong tháng 10/2020.

Khi cơn bão vào đến Biển Đông 9h sáng ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1470/CĐ-TTg và trực tiếp họp trực tuyến để triển khai công tác ứng phó với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban và Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng, để trực tiếp chỉ đạo. Các địa phương thành lập Ban Chỉ huy tiền phương huy động lực lượng vũ trang, ứng trực 24/24. Đã nhắn tin khẩn cấp 73 triệu lượt tin nhắn tới thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão.

Trong thời gian rất ngắn, chưa đến 2 ngày trước khi bão đổ bộ, đã kêu gọi 45.000 tàu thuyền với 300.000 thuyền viên vào nơi tránh trú trong bờ hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức sơ tán hơn 100.000 hộ dân với hơn 400.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Di dời và tuyên truyền đến người dân tại 118.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản và vùng nước an toàn và di dời người nuôi trồng lên bờ đảm bảo không để xảy ra rủi ro. Toàn bộ 2.700 hồ chứa được phối hợp kiểm soát nhất là các hồ lớn.

Mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản, xong cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn, 80 người chết và mất tích, trong đó 45 người do sạt lở đất. 727 nhà sập hoàn toàn. Theo số liệu các tỉnh báo cáo, thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.

sat lo o mien trung xuat phat tu yeu to noi sinh
Thủ tướng xem bản đồ chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn tại Phước Sơn và Nam Trà My. Ảnh: Quang Hiếu

Lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường cho biết, hầu hết vụ sạt lở ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị, Huế đến Quảng Nam, đều có yếu tố nội sinh hết sức rõ ràng. Cụ thể, bản đồ dự báo sạt lở tỷ lệ 1/50.000 cho thấy những vùng này là nơi trước đây từng xảy ra sạt lở; những vùng này đều nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định; những đứt gãy này và hoạt động kiến tạo cho thấy đất đá hình thành vùng phong hóa rất lớn, có nơi dày 15-16 m. Do đứt gãy nên phong hóa rất cao, khiến đất đá vỡ vụn, gồm có cát, bùn và đất sét. Hầu hết ở khu vực này, các thảm thực vật cây công nghiệp và cây lương thực có nơi chiếm 100% màu xanh, có nơi chiếm 70-80%, như vậy là rất tốt. Những khu dân cư ổn định nhiều năm như điểm sạt lở tại Trà Leng và có độ phủ đầy đủ mà vẫn xảy ra sạt lở cho thấy yếu tố ngoại sinh là nguyên nhân chính.

Trong 20 ngày, khu vực này phải đồng thời chống chọi 4 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới kèm theo lượng mưa kỷ lục 250-300 mm, có ngày mưa đến 500 mm. Với lượng mưa này thì những khu vực có cấu trúc địa chất tương tự rất dễ xảy ra sụt lún, sạt lở, cộng thêm những biến động cực đoan của khí hậu và thời tiết. Do đó, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở miền Trung thời gian qua là các yếu tố nội sinh. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý rằng ngoài yếu tố ngoại sinh, yếu tố con người cũng là nguyên nhân khi xây dựng các công trình, đặc biệt là hồ chứa và đường sá mà chưa tính đến lũ ống, sạt lở đất, tức chưa nghiên cứu kỹ địa chất khu vực.

Đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các vụ sạt lở thời gian qua chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Tuy vậy, các cấp chính quyền cũng có phần trách nhiệm và yêu cầu hạn chế xây dựng các công trình thủy điện nhỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là bàn biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản rất lớn, vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án khắc phục tình hình khó khăn rất lớn hiện nay.

Mai Hoa

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/sat-lo-o-mien-trung-xuat-phat-tu-yeu-to-noi-sinh-7000.html

In bài viết