16:06 | 09/11/2020

Kinh tế tuần hoàn: Cái nhìn từ góc độ sản xuất công nghiệp

Khái niệm về kinh tế tuần hoàn, dù chỉ mới xuất hiện và đề cập nhiều trong vài năm trở lại đây, thực tế đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa thể có một khái niệm hoàn chỉnh về kinh tế tuần hoàn mà có thể diễn đạt được hết các nội dung của nó. Triết lý ẩn sau khái niệm của kinh tế tuần hoàn, không đơn giản chỉ là việc tuần hoàn toàn bộ dòng vật chất tham gia vào các hoạt động nhân sinh, mà còn đề cập và xem xét đến việc thực hiện từng nội dung của kinh tế tuần hoàn trong một chỉnh thể xã hội, nơi mà liên kết tất cả các bên liên quan một cách tự nguyện, thay vì đơn lẻ đối với từng cá thể, điều có thể thấy được ở các khái niệm không chất thải, sản xuất sạch hơn, cradle-to cradle concept (từ nơi phát sinh đến nơi phát sinh), công nghiệp sinh thái, cộng sinh công nghiệp hay thậm chí kinh tế chất thải.
Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
kinh te tuan hoan cai nhin tu goc do san xuat cong nghiep
Một số sản phẩm tái chế của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội trưng bày tại Đại hội lần thứ III Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2025)

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được giới thiệu rộng rãi, nhưng đa phần các bên liên quan đều dừng ở mức hiểu nó là một mô hình hoạt động dựa trên đồng lợi ích đem lại khi sử dụng chất thải, và vì vậy, khái niệm này lại được hiểu theo cách nhìn của từng bên liên quan về lợi ích thu được, cho dù về khía cạnh môi trường, khía cạnh kinh tế hay sự kết hợp của cả hai. Vì vậy, riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam thì có thể thấy rằng cho dù bản thân doanh nghiệp có quan tâm và mong muốn xây dựng và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thì trở ngại lớn nhất chính là khuyết thiếu các cơ chế ràng buộc các bên liên quan trong một hệ thống. Bài tham luận này không tham vọng diễn giải về một khái niệm có thể được chấp nhận tại Việt Nam, mà mong muốn giới thiệu một góc nhìn tổng quan về việc giới thiệu kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Các nội dung của kinh tế tuần hoàn

Liên quan tới khái niệm kinh tế tuần hoàn, các nội dung sau có thể thấy được trong hầu khắp các định nghĩa có liên quan bao gồm: (1) một hệ thống tiến tới khép kín trên cơ sở kỹ thuật (quá trình cơ – lý, quá trình hóa học và quá trình sinh học), (2) một mạng lưới thu gom và sử dụng hiệu quả chất thải trong hệ thống (thay vì trong từng cá thể), (3) giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường (thông qua hàng loạt các hành động, như sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu xanh, thiết kế xanh, hệ thống logistic, thậm chí cả việc chăm lo sức khỏe vật lý và tinh thần của người lao động). Các nội dung này không thực hiện đơn lẻ, mà phải được thực hiện một cách hệ thống theo cách tiếp cận từ trên xuống đối với tất cả các bên liên quan.

Một hệ thống khép kín, có thể hiểu là một hệ thống tạo thành bởi các bên liên quan, mà có lượng chất thải dư thừa đi ra ngoài hệ thống một cách tối thiểu nhất, và tiến tới tiệm cận giá trị 0. Hệ thống này, do vậy, có thể được xây dựng từ các hệ thống nhỏ, với lượng chất thải đi ra lớn, cho đến các hệ thống lớn có lượng chất thải đi ra nhỏ. Hệ thống này không thể xuất hiện ở một hay một vài doanh nghiệp, mà cần có sự tham gia một cách đa dạng các doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng, các đơn vị nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật, cơ sở logistic, các doanh nghiệp trong mạng lưới thu gom, xử lý, chất thải, các nhà quản lý, v.v. Cơ sở của việc để lượng chất thải phát sinh ra ngoài hệ thống là tối thiểu nhất hiện nay là các quá trình kỹ thuật thúc đẩy sự biến đổi chất thải thành nguyên liệu mong muốn.

Một mạng lưới thu gom và sử dụng hiệu quả chất thải trong hệ thống cho phép đảm bảo mọi dòng thải ra môi trường được thu gom và kiểm soát, từ đó có thể được sử dụng hiệu quả trong các vòng lặp kinh tế của hệ thống. Mạng lưới này cũng có chức năng cung cấp các nguyên liệu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất (dẫn đến sự phát triển của thị trường chất thải và thị trường nguyên liệu tái chế) trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu của bảo vệ môi trường.

Nội dung thứ ba cuả kinh tế tuần hoàn tập trung vào giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh trong hệ thống, như một yêu cầu bắt buộc. nội dung này trải rộng trên một phạm vi lớn trong vòng đời của sản phẩm, như xử lý chất thải, xử lý đồng lợi ích, năng lượng tái tạo, năng lượng từ chất thải, thay đổi thói quen tiêu dùng, thu gom và phân loại chất thải, cải thiện và phục hồi môi trường, thiết kế xanh, vật liệu xanh, chứng chỉ môi trường, v.v. Bên cạnh đó cũng có các khái niệm khác như cung cấp việc làm, phúc lợi xã hội, đảm bảo điều kiện làm việc, v.v. Nội dung này tương đối quen thuộc ở Việt Nam và cũng đã được các doanh nghiệp ở Việt Nam thực hiện tư nhiều năm qua với các mức độ khác nhau và nhìn chung, đi theo các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của pháp luật trong bảo vệ môi trường.

Vấn đề ở đây là việc kết hợp các nội dung thực hiện kinh tế tuần hoàn trong một hệ thống cần phải được thực hiện một cách thống nhất, điều mà không dễ dàng gì thực hiện trong một nền kinh tế đã tồn tại mà mỗi sự thay đổi lại đem theo rất nhiều biến động không thể đánh giá được. Chúng ta gặp một câu hỏi: thay đổi như thế nào? Thay đổi từ trên xuống dưới hay thay đổi từ dưới lên trên, hay thay đổi từ cả hai đầu? Câu trả lời cho đến nay vẫn không là dễ dàng, và ngay tại các quốc gia phát triển, đi tiên phong trong giới thiệu và áp dụng kinh tế tuần hoàn, thì phương thức thực hiện phù hợp nhất vẫn là tiếp cận từ giữa, nghĩa là xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong một hệ thống nhỏ (mang tính địa lý, mang tính sản phẩm, mang tính vật liệu hay các đặc thù khác) và liên kết các hệ thống nhỏ tạo thành hệ thống lớn. Ngay cả trong trường hợp này, thì một nền tảng chung về pháp lý sẽ bắt buộc phải xây dựng (có sự điều chỉnh liên tục), và một tiếp cận thay đổi căn bản mang tính hệ thống trong quản lý vòng đời sản phẩm phải được thực hiện cho mọi hệ thống.

Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, chưa có một khái niệm pháp lý về kinh tế tuần hoàn, và cũng chưa có một chính sách toàn diện nào đề cập đến kinh tế tuần hoàn, song các nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong khá nhiều văn bản pháp luật, thông qua các khái niệm về sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển bền vững, tiếp cận 3R, sản xuất sạch hơn, khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên, khu công nghiệp sinh thái,1 v.v. Do kinh tế tuần hoàn có triết lý là một tiếp cận mang tính hệ thống, ở Việt Nam cho tới nay chưa có một cơ sở pháp lý nào đề cập đến việc hình thành một hệ thống mang tính quy ước nào như vậy, và có thể thấy rằng, khó có thể xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn theo đúng nghĩa tại Việt Nam trong thời điểm này.

Mặc dù vậy, các mô hình nhỏ lẻ liên quan đến kinh tế tuần hoàn đã được giới thiệu ở Việt Nam như các mô hình VAC, RVAC, cộng sinh công nghiệp của mía đường – giấy – thực phẩm, sản xuất năng lượng và phụ phẩm trong chế biến thủy hải sản vẫn cho thấy tính khả thi và tiềm năng của kinh tế tuần hoàn. Các mô hình này đã chứng minh lợi ích trong thực tế, tuy nhiên, lại bị giới hạn bởi số lượng bên liên quan tham gia trong hệ thống, mức độ đáp ứng của từng nội dung thực hiện, các giới hạn kỹ thuật trong các đầu vào và đầu ra, mức độ đáp ứng của nền tảng kỹ thuật và nhiều lý do khác.

Kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất công nghiệp

Tại Việt Nam hiện nay, có thể giới thiệu rất nhiều các hoạt động thành phần của kinh tế tuần hoàn, ví dụ như hoạt động tái chế và tái sử dụng chất thải trong và ngoài doanh nghiệp, hoạt động sản xuất sạch hơn (với số lượng doanh nghiệp tham gia thực hiện không nhiều, dù đã được giới thiệu ở Việt Nam từ 20 năm trước), sử dụng hiệu quả năng lượng. Các hoạt động này cho thấy các lợi ích kinh tế đã được chứng minh, nhưng chưa đủ hiệu quả để buộc các doanh nghiệp phải đổi mới toàn bộ nền sản xuất của mình theo hướng đáp ứng các nội dung bắt buộc của kinh tế tuần hoàn.

Có thể liệt kê các hoạt động hướng kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp ở Việt Nam trong những nội dung chính sau:

* Tái chế, tái sử dụng chất thải: ví dụ thường gặp nhất trong các doanh nghiệp Việt Nam, như việc chuyển đổi trọng tâm sản xuất giấy từ nguyên liệu nguyên sinh sang nguyên liệu giấy phế liệu, sử dụng tro bay và xỉ từ nhà máy nhiệt điện cho sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến các sản phẩm phụ từ chất thải nhà máy chế biến thủy sản, tái chế hóa chất và nguyên liệu từ chất thải điện tử, tái chế sắt thép, nhựa. Riêng trong lĩnh vực tái chế giấy, sắt thép và nhựa, mỗi năm, chúng ta cần tới gần 20 triệu tấn phế liệu (nhập khẩu chiếm đa số). Tiềm năng tiêu thụ tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất có thể lên đến hàng chục triệu tấn mỗi năm. Con số này đã có thể vượt quá tổng lượng chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp phát sinh hàng năm tại thời điểm hiện tại của Việt Nam.

* Sản xuất sạch hơn: được giới thiệu ở Việt Nam từ những năm 1990 và cho đến này, có cơ sở pháp lý vững chắc, như thể hiện trong “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012, “Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012, “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012. Đó là chưa kể các nội dung được lồng ghép thực hiện với các chương trình khác như Chương trình khuyến công quốc gia, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn 20 năm giới thiệu và triển khai ở Việt Nam, mức độ lan toả của sản xuất sạch hơn đã không được như mong muốn và vẫn còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong các khó khăn trở ngại khi thực hiện sản xuất sạch hơn, thì rào cản kỹ thuật (công nghệ cũ và trung bình), động lực của doanh nghiệp và hạn chế trong công tác quản lý được coi là các lý do quan trọng nhất hạn chế sự lan tỏa của sản xuất sạch hơn tại Việt Nam

* Khu công nghiệp sinh thái: khái niệm khu công nghiệp sinh thái lần đầu tiên được quy định trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Khái niệm này thực tế vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam và hầu như chưa có thêm các quy định, văn bản pháp quy hỗ trợ phát triển mô hình này. Tháng 8/2014 Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” đã được phê duyệt, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là trên 4,5 triệu USD từ Quỹ môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Dự án nhằm mục đích chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái; thí điểm tại KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ). Các kết quả đánh giá tình hình thực hiện dự án cho thấy các hiệu quả và lợi ích kinh tế trong việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái trên nền tảng kỹ thuật hiện có, tuy nhiên cũng cho thấy các khó khăn cơ bản trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp trên cơ sở bán thành phẩm, phụ phẩm, chất thải nguyên liệu và năng lượng ở đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp đã tồn tại.

Các khó khăn chính trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có thể được liệt kê như sau:

* Thiếu hụt về cơ sở pháp lý cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và các thông tin, hướng dẫn đầy đủ và phù hợp về các phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp.

* Thiếu các chính sách toàn diện và chế độ hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong một hệ thống nhỏ.

* Không có thị trường chất thải và nguyên liệu từ chất thải, ví dụ như thị trường vật liệu và sản phẩm có thể tái chế, xúc tiến năng lượng tái tạo, v.v.

* Khả năng tận dụng chất thải của Việt Nam còn nhỏ, phụ thuộc vào các công nghệ sẵn có và cần thiết phải thay đổi hệ thống quản lý chất thải.

* Các khó khăn trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp trên cơ sở các dòng vào, dòng ra của doanh nghiệp

* Công nghệ sản xuất và máy móc hầu hết ở mức trung bình, lạc hậu cần được thay thế để phát triển.

* Sự phối hợp các bên liên quan vẫn dựa trên lợi ích kinh tế. Điều này cần được thay đổi trong tư duy doanh nghiệp trên cơ sở thiết kế, tìm kiếm những mô hình tiêu biểu để lan tỏa.

Kết luận:

Cho đến nay ở Việt Nam, thuật ngữ kinh tế tuần hoàn vẫn chưa được tìm thấy trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Ngay cả trong trường hợp tái chế và tái sử dụng chất thải và một nội dung thiết yếu và cơ bản của kinh tế tuần hoàn thì trước hết vẫn được thực hiện nhằm đến lợi ích kinh tế trực tiếp. Có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt các ví dụ đã được triển khai và thực hiện thành công về hoạt động kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên rất khó để ép buộc các hoạt động này theo hình thức kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác, Việt Nam chưa có một mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ nào có thể cho thấy chu trình liên tục và bền vững của các chất sử dụng trong nền kinh tế. Thay vì một chu trình vật chất tổng thể trong một hệ thống lớn, tại Việt Nam chỉ có thể thấy nhiều vòng lặp chất thải nhỏ vốn rất khó liên kết với nhau để tạo thành cơ sở của nền kinh tế vòng tròn.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với Việt Nam là xây dựng nền tảng cho mô hình kinh tế tuần hoàn. Nền tảng này cần dựa trên việc xây dựng một khung thể chế thống nhất có thể lồng ghép các nỗ lực khác nhau về phát triển kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên vào một hướng, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề chất thải và môi trường riêng lẻ với sự phát triển của nền kinh tế.

Huỳnh Trung Hải - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/kinh-te-tuan-hoan-cai-nhin-tu-goc-do-san-xuat-cong-nghiep-7007.html

In bài viết