00:00 | 09/01/2020

Hà Nội: Thay đổi phương thức xử lý rác thải nông thôn

Tp. Hà Nội đã thay đổi phương thức quản lý, cải tiến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại khu vực ngoại thành vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

ha noi thay doi phuong thuc xu ly rac thai nong thon
Ảnh minh họa

Những năm gần đây, TP Hà Nội đã thay đổi phương thức quản lý, duy trì vệ sinh môi trường, cải tiến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải khi chuyển từ cơ chế đặt hàng sang tổ chức đấu thầu tập trung, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Tăng cường sử dụng cơ giới hóa trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải; áp dụng quy trình định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá mới… Sau đấu thầu, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu đã đầu tư phương tiện cơ giới hóa, đổi mới công nghệ. Nhờ đó, dù tổng khối lượng rác thải phát sinh hằng ngày khoảng 6.500 tấn, nhưng tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải tại các quận đạt từ 98% trở lên, tại các huyện đạt từ 87% đến 88%. Vệ sinh môi trường, tại địa bàn các quận, thị xã được bảo đảm. Chất lượng vệ sinh ở nhiều tuyến phố cao hơn. Kinh phí duy trì vệ sinh môi trường giảm hơn 32% so với thời điểm trước đấu thầu tập trung.
Tuy nhiên, tại khu vực ngoại thành, công tác thu gom, vận chuyển rác thải còn nhiều bất cập. Ðại diện Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại huyện Chương Mỹ cho biết, do quy định việc thu gom rác tại các ngõ, xóm khu vực nông thôn có chiều rộng dưới 2 m và tại các chợ không được thanh toán kinh phí, gây nhiều khó khăn cho đơn vị. Thực tế trên địa bàn huyện có 64 chợ và khoảng 50 km đường, ngõ nhỏ dưới 2 m, hằng ngày phát sinh lượng rác thải rất lớn, nếu không được thu gom, vận chuyển sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng khi nhà thầu thực hiện công việc lại không được thanh toán. Ngoài ra, khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng do các tuyến đường, phố, ngõ, xóm vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2017 và 2018, trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng không được thanh toán kinh phí, ảnh hưởng đến việc chi trả lương cho người lao động. Cùng với đó, hợp đồng gói thầu chỉ quy định tần suất thu gom rác hằng ngày tại thị trấn Chúc Sơn và Xuân Mai, còn lại 30 xã thực hiện thu gom từ hai đến ba lần/ tuần, dẫn đến tồn đọng rác thải tại các điểm tập kết, không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chia sẻ khó khăn với đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết thêm, do địa bàn huyện rộng, dân cư đông, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày khoảng 163 tấn, nhưng mới chỉ có 145 tấn rác được đưa đi xử lý tại bãi rác của thành phố, số còn lại bị tồn đọng tại huyện. Riêng năm 2018, tổng khối lượng rác thải được thu gom, vận chuyển về điểm tập kết tại các xã là hơn 42 nghìn tấn, tồn đọng hơn 3.800 tấn. Ngoài ra, việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn khi các xã, thị trấn chỉ thu được khoảng 65% chỉ tiêu do dân cư biến động, nhiều người thường xuyên đi làm ăn xa nhà. Thậm chí một số trường hợp cố tình không nộp phí dịch vụ vệ sinh môi trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cũng chia sẻ, số tiền ngân sách dành cho công tác vệ sinh môi trường luôn được huyện bố trí đầy đủ, nhưng nguồn thu phí dịch vụ của các xã, thị trấn chỉ đạt hơn 80% chỉ tiêu. Do đó, năm 2018, UBND huyện đã phải tạm ứng hơn 5 tỷ 330 triệu đồng để thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh, bảo đảm duy trì công việc ổn định. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng, mức thu ở các quận là 6.000 đồng/người/tháng, trong khi ở các huyện là 3.000 đồng/người/tháng hiện nay chưa phù hợp thực tế bởi mật độ dân cư các huyện thấp hơn so với khu vực nội thành. Công nhân, phương tiện vận chuyển phải di chuyển quãng đường dài hơn để thu gom, vận chuyển rác thải; nguồn thu không đủ để chi trả cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
Mới đây, kết quả giám sát của Ban Ðô thị HÐND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong thu gom, vận chuyển rác thải tại khu vực ngoại thành. Trưởng Ban Ðô thị HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết: Việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường tại các huyện hiện nay còn thấp, chưa hợp lý. Nhiều gói thầu có khối lượng đăng ký công việc thấp hơn khối lượng thực tế dẫn đến phát sinh khối lượng và kinh phí phải chi trả. Việc phối hợp giữa đơn vị duy trì vệ sinh môi trường với chính quyền các xã để thu phí dịch vụ chưa tốt dẫn đến mất cân đối nguồn kinh phí. Số lượng điểm tập kết rác thải tại các xã còn thiếu, nhiều điểm xuống cấp.

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ha-noi-thay-doi-phuong-thuc-xu-ly-rac-thai-nong-thon-701.html

In bài viết