15:56 | 09/11/2020

Tăng thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón, giúp sản xuất trong nước cạnh tranh tốt hơn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 159 của Chính phủ thông qua dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón. Phương án được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội là chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.
Đề nghị mức thuế GTGT 5% với phân bón để hỗ trợ doanh nghiệp
tang thue gia tri gia tang mat hang phan bon giup san xuat trong nuoc canh tranh tot hon
Việc tăng 5% thuế GTGT mặt hàng phân bón, sẽ giúp các nhà sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh tốt hơn.

Theo Nghị quyết trên, Chính phủ thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất GTGT đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 192. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.

Nghị quyết giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.

Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Dự thảo Nghị quyết để cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.

Theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% sẽ có nhiều tác động tích cực và toàn diện với nhiều đối tượng, đặc biệt, trả lại sự công bằng cho sản xuất phân bón trong nước và giá phân bón sẽ giảm.

Góp ý dự thảo của Bộ Tài chính, các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tư pháp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đều đồng ý đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng có thuế suất GTGT 5%.

Các chuyên gia của Hiệp hội Phân bón Việt Nam tính toán, nếu tăng thuế GTGT 5%, giá phân bón tới tay nông dân sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực gì, mà còn có những tác động tích cực và toàn diện trên nhiều khía cạnh. Đặc biệt, bà con nông dân sẽ được hưởng lợi, bởi trong dài hạn giá cả phân bón thấp hơn, có nhiều loại phân bón tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm được giá thành sản xuất tương đương với 5% trên giá bán (khoảng 950 tỷ đồng). Do đó, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó có thêm cơ hội để hạ giá phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường.

Theo thống kê của Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT năm 2019 là khoảng 1,007 tỷ USD, tương đương 23.400 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính thuế VAT 5% khi nhập khẩu, ngân sách nhà nước sẽ thu được 1.170 tỷ đồng ở khâu nhập khẩu.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tang-thue-gia-tri-gia-tang-mat-hang-phan-bon-giup-san-xuat-trong-nuoc-canh-tranh-tot-hon-7014.html

In bài viết