09:17 | 01/11/2022

Đào tạo nhân lực cho ngành Công nghiệp môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) "Công nghiệp môi trường (CNMT) là nhóm các nhà sản xuất các sản phẩm môi trường, bao gồm các công nghệ và sản phẩm sản xuất sạch hơn, dịch vụ quản lý ô nhiễm và quản lý tài nguyên". Tại Việt Nam, Công nghiệp môi trường (CNMT) được Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014 giải thích là “một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về BVMT”, còn phát triển CNMT được quy định là “đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử lý và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ các yêu cầu BVMT”.
Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2025
dao tao nhan luc cho nganh cong nghiep moi truong thoi ky cong nghiep hoa hien dai hoa dat nuoc va hoi nhap quoc te
TS. Vũ Đình Ngọ - Hiệu trưởngTrường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Bộ Công Thương).

Ngành CNMT không phải là ngành công nghiệp mới xuất hiện, tuy nhiên, sản xuất có liên quan đến định hướng CNMT thì chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và hội nhập quốc tế, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững và sức khỏe người dân. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, qui định pháp luật liên quan đến phát triển CNMT, tuy nhiên đây là ngành kinh tế mới đang trong giai đoạn phát triển. Điểm hạn chế lớn của doanh nghiệp CNMT Việt Nam là chủ yếu gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa được đầu tư phát triển đúng với tiềm năng và đòi hỏi của thực tiễn. Chúng ta chưa có doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại trong thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý môi trường; thực hiện dịch vụ quan trắc số hóa, kết nối với quản lý nhà nước về môi trường. Các sản phẩm công nghệ cao xử lý môi trường nhất là các khu xử lý tập trung ở các khu công nghiệp và đô thị lớn chưa được đầu tư phát triển đúng nghĩa. Trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực để có thể nắm bắt được những thành tựu khoa học công nghệ đạt được trong và ngoài nước đang cũng là điểm còn hạn chế trong phát triển CNMT. Những hạn chế trên đã làm cho CNMT giảm đi rất nhiều lợi thế và năng lực cạnh tranh, khiến mức độ lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài càng lớn. Để khắc phục được tồn tại nêu trên, ngoài những vấn đề thuộc về chính sách, rất cần sự đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nói chung và xây dựng phát triển ngành CNMT như một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Trong “Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/02/2017 với các mục tiêu là: Phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; Đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ; Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; Xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành CNMT; Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; Phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng…Với những mục tiêu trên thì nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng sự phát triển CNMT trong thời gian tới là rất lớn và cần phải có một chiến lược thực sự khả thi để triển khai thực hiện. Nhiệm vụ này đặt lên vai các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, trong đó các trường đại học, cao đẳng giữ vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, có một thực trạng, trong một vài năm trở lại đây, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường, Công nghệ môi trường, Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên môi trường đang khó xin việc làm. Số lượng sinh viên đăng ký tuyển mới giảm rất nhiều. Nhiều trường đã phải đóng cửa không tuyển sinh các ngành này. Nguyên nhân là do: Thời gian trước số lượng sinh viên học và tốt nghiệp nhiều, trong khi số doanh nghiệp của ngành phát triển chậm, điều kiện làm việc chưa chưa tốt và thu nhập không cao; ảnh hưởng của truyền thông về ngành này đôi lúc chưa đúng dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nhiều trường chậm đổi mới, chưa tiếp cận với trình độ quốc tế. Nhiều cơ sở đào tạo việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiếu dẫn tới chất lượng chưa đáp ứng với thực tế doanh nghiệp, thường phải đào tạo lại sau khi được tuyển dụng. Mặt khác, các doanh nghiệp lớn, trình độ công nghệ cao thường sử dụng công nghệ và thiết bị nhập ngoại trong khi việc đào tạo các trường chưa kịp tiếp cận.

Vấn đề đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng thời kỳ CNH-HĐH đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang là cơ hội đồng thời cũng là thách thức cho giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo nhân lực cho ngành CNMT nói riêng. Để đạt được các mục tiêu đề ra thì một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là: Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành CNMT; các cơ sở GD& ĐT phải phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng cho ngành, phải đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy nhất là kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm của người học. Chú trọng đặc biệt đến những công nghệ mới như số hóa và điều khiển thông minh, Internet kết nối vạn vật và tự động hóa cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trình độ cao; Đầu tư trang thiết bị nghiên cứu và đào tạo hiện đại cho các trường cả ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về lĩnh vực này; Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các trường đào tạo với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp CNMT trong và ngoài nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNMT; Thường xuyên cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan… để đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đào tạo Kỹ sư, cử nhân kỹ thuật lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật môi trường đòi hỏi kiến thức đa ngành, nhiều lĩnh vực: Sinh thái học, Pháp luật, Công nghệ sinh học, công nghệ Hóa học, cơ khí, Điện - Điện Tử, tự động hóa, Công nghệ thông tin, Kinh tế… nên cần có thêm những chính sách của nhà nước để thu hút sinh viên giỏi, chính sách khuyến khích người học và làm việc trong ngành “nhậy cảm” này.

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì là cơ sở đào tạo Đại học thuộc Bộ Công thương. Nhà trường có truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển. Nhóm ngành Hóa chất và Công nghệ môi trường là những ngành truyền thống của nhà trường. Trường đã cung cấp hàng ngàn kỹ sư, cử nhân cao đẳng, KTV trung cấp cho ngành bảo vệ môi trường và CNMT nói riêng. Cán bộ, giảng viên nhà trường cũng tham gia nhiều đề án, đề tài, dự án về bảo vệ môi trường, phát triển CNMT, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu; đào tạo nhiều khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên các doanh nghiệp trong ngành… Để đáp ứng yêu cầu phát triển và cầu hội nhập quốc tế, nhà trường đã xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, chủ yếu sinh viên tốt nghiệp ra đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ sở quan trắc môi trường, các phòng thí nghiệm môi trường… được doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về chất lượng đào tạo. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng và mong muốn tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho việc phát triển ngành CNMT. Đồng thời rất mong có sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường, doanh nghiệp, nhà trường với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở cung cấp dịch vụ của ngành để tạo điều kiện cho nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Với truyền thống đạo tạo 65 năm, Nhà trường đã đạt Chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT và luôn được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao về chất lượng đào tạo. Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì không ngừng đổi mới để hướng đến nâng cao chất lượng của sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Tích cực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ khoa học- kỹ thuật đóng góp cho sự phát triển ngành CNMT nói riêng và cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung.

TH

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/dao-tao-nhan-luc-cho-nganh-cong-nghiep-moi-truong-thoi-ky-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-va-hoi-nhap-quoc-te-7023.html

In bài viết