13:52 | 17/12/2020

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng
quy hoach tong the nang luong quoc gia thoi ky 2021 2030 tam nhin 2050
Phấn đấu xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Nền kinh tế năng lượng Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng nội địa như dầu thô, than, khí tự nhiên… Những nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trong hai thập kỷ gần đây. Trước đây, xuất khẩu dầu thô và than là những nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia. Nhưng những năm gần đây, nhập khẩu năng lượng lại có xu hướng tăng mạnh mẽ.

Việc xây dựng một quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung – cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội – môi trường mà Việt Nam đã đặt ra: Mục tiêu Thiên niên kỷ, Chiến lược Phát triển bền vững, Chiến lược Tăng trưởng xanh và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Để vượt qua các khó khăn thách thức, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là thực sự cần thiết, với những mục tiêu cụ thể như sau:

Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng, nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá nhu cầu năng lượng giai đoạn 2011-2018, đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2031-2050.

Nghiên cứu các phương án phát triển các phân ngành năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ cho phát triển kinh tế xã hội, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; đánh giá sự liên kết, đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế. Lập danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của các phân ngành năng lượng…

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế chính sách phát triển, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững năng lượng quốc gia.

Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững... Phấn đấu, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu TOE, đến năm 2045, đạt khoảng 320 – 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 – 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 – 600 tỷ kWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030; 25 – 30% vào năm 2045. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/quy-hoach-tong-the-nang-luong-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-2050-7183.html

In bài viết