00:00 | 16/12/2020

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng

Tham mưu thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách đột phá tại Việt Nam kể từ khi được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2011. Chi trả DVMTR là cơ chế tài chính trong đó các bên được hưởng lợi DVMTR có trách nhiệm chi trả cho các bên cung cấp DVMTR. Mục tiêu của chính sách chi trả DVMTR tại Việt Nam là: bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng rừng; gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân; giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước cho việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng và đảm bảo an sinh xã hội của người làm nghề rừng. Cơ chế vận hành chính sách chi trả DVMTR tại Việt Nam chủ yếu dựa vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp trung ương và cấp tỉnh.

Lâm Đồng là một trong hai tỉnh đầu tiên thực hiện thành công thí điểm chi trả DVMTR theo Quyết định 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2019, việc chi trả DVMTR căn cứ theo Luật Lâm nghiệp 2017, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Đặc biệt, được sự hỗ trợ từ hoạt động “Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (giai đoạn từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2020), Lâm Đồng tiếp tục chọn thí điểm thực hiện thanh toán tiền chi trả DVMTR cho chủ rừng hộ gia đình và cộng đồng thông qua hệ thống giao dịch điện tử...

Những con số ấn tượng

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng (Quỹ) được thành lập từ năm 2009 và được kiện toàn tại Quyết định 2207/QĐ-UBND, ngày 06/10/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Tổ chức bộ máy quản lý điều hành gồm: Hội đồng quản lý; Ban Kiểm soát và Bộ máy điều hành.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, hơn 10 năm qua, Ban Giám đốc và toàn thể viên chức, người lao động của Quỹ đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, chủ động tham mưu cho Hội đồng quản lý, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 38 nhà máy thủy điện; 18 nhà máy (đơn vị) sản xuất và cung cấp nước sạch; 34 điểm du lịch và 5 cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR. Tính đến năm 2019, tổng số tiền DVMTR thu được là 1.754 tỷ đồng (bình quân thu được 175,4 tỷ đồng/ năm); trong đó thu từ thủy điện chiếm 94,6% tổng thu. Tổng số tiền đã chi trả cho các chủ rừng cung ứng DVMTR từ năm 2011-2019 là 1.473,439 tỷ đồng (Bình quân chi hơn 160 tỷ đồng/năm), diện tích rừng cung ứng được chi trả hàng năm là 392.000 ha.

Riêng năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kế hoạch thu là 306,946 tỷ đồng và ứớc số tiền chi trả năm 2020 theo kế hoạch là 260,904 tỷ đồng.

Thực hiện đồng bộ các chính sách

Quỹ tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật và kết quả thực hiện tại địa phương. Từ đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và các đối tượng liên quan trực tiếp đến chính sách chi trả DVMTR được nâng lên rõ rệt và cùng đồng hành với chính sách trong suốt thời gian qua. Hầu hết các đơn vị sử dụng dịch vụ đều chấp hành nộp tiền đầy đủ, kịp thời; chủ rừng, hộ nhận khoán đã thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, cung ứng DVMTR.

tham muu thuc hien co hieu qua chinh sach chi tra dich vu moi truong rung
Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng

Hàng năm có khoảng 16.000 hộ (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn) nhận khoán bảo vệ rừng từ diện tích được chi trả với các chủ rừng nhà nước. Với đơn giá khoán đến hộ từ 550.000 - 650.000 đồng/ha/năm và diện tích nhận 20ha - 30ha/hộ đã tạo thu nhập bình quân cho mỗi hộ từ 12,0 triệu -18,0 triệu đồng/hộ/năm; cùng với chính sách ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng của UBND tỉnh thì nguồn thu nhập này mang tính ổn định, là một yếu tố rất quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo cho đối tượng này.

Ngoài ra, tiền DVMTR còn hỗ trợ thêm cho lực lượng kiểm lâm (từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm), các ban quản lý rừng phòng hộ (gần 2,5 tỷ đồng/năm) tiến hành các hoạt động tuần tra, truy quét ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Thống kê từ năm 2015 đến năm 2019, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ 6.018 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, xác định diện tích rừng bị thiệt hại gần 507 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại gần 23.854 m3...

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng

Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã thu được một nguồn tài chính lớn ngoài ngân sách nhằm phục vụ lại cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và nhà nước. Tiền thu từ DVMTR đã hỗ trợ và giảm chi từ nguồn ngân sách cho nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng hằng năm.

Với diện tích rừng được chi trả lớn (71,2% diện tích rừng toàn tỉnh), cùng với đơn giá chi trả cao hơn so với đơn giá chi trả bằng nguồn vốn ngân sách trước đây và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng hùng hậu đã tạo điều kiện cho các chủ rừng chủ động tổ chức lực lượng và bảo vệ tốt hơn diện tích rừng được giao; cũng từ nguồn kinh phí hỗ trợ DVMTR hàng năm đã tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động quản lý của chủ rừng và sự phối hợp giữa chủ rừng với Kiểm lâm và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng ngày càng tốt hơn.

Sau 10 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã cho thấy hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương; nhận thức của cán bộ, nhân dân, nhất là người dân sống gần rừng, các chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thay đổi rõ rệt; đã huy động một nguồn lực của xã hội đáng kể để bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, tạo được sự đồng thuận và tích cực tham gia chính sách chi trả DVMTR; kết quả tích cực nói trên có sự đóng góp quan trọng của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

Pv

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tham-muu-thuc-hien-co-hieu-qua-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-7184.html

In bài viết