14:06 | 25/12/2020

Thực trạng chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững

Khuôn khổ cho tài chính xanh ở Việt Nam đang dần hình thành và hệ thống tài chính đã có những tham gia tích cực vào chiến dịch xanh hóa nền kinh tế. Việt Nam cũng đã hình thành được hệ thống các quỹ bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương với 01 Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và 44 Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương với tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
thuc trang chinh sach chuong trinh ho tro doanh nghiep kinh doanh ben vung
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh bền vững.

Để thúc đẩy phát triển bền vững, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:

Các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cho tăng trưởng xanh để bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, ngày 20/3/2014, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 403/QĐTTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/10/2015, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Kế hoạch này đặt ra các mục tiêu cụ thể về xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính (chính sách thu, chi, xã hội, cam kết quốc tế) liên quan đến thúc đẩy thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Trong đó, đối với lĩnh vực chi NSNN: (i) Việc mua sắm sử dụng nguồn NSNN phải ưu tiên hàng hóa dán nhãn sinh thái, có khả năng tái chế; (ii) Ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, các dự án đầu tư công đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh theo cơ cấu ngành nghề, tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến tác động của biến đổi khí hậu; (iii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách chi ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường theo hướng tập trung nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị, từ năm 2006, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp môi trường) với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) và tỷ lệ này được điều chỉnh tăng dần theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn NSNN này mục tiêu chi cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án trong lĩnh vực môi trường, không dành cho hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, bảo vệ môi trường.

Phát triển tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư vào các dự án môi trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Trong đó, đã nêu rõ nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội; tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sử dụng các thành tựu khoa học tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Như vậy, khuôn khổ cho tài chính xanh ở Việt Nam đang dần hình thành và hệ thống tài chính đã có những tham gia tích cực vào chiến dịch xanh hóa nền kinh tế. Khảo sát về áp dụng tín dụng xanh trong ngành ngân hàng của NHNN cho thấy có 19 tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động tín dụng xanh, 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho tín dụng xanh, 17 tổ chức tín dụng đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh trong những năm gần đây cũng có dấu hiệu khả quan. Tính đến quý I/2019, đã có 20 tổ chức tín dụng cho vay tín dụng xanh với dư nợ 242.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018, trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn là 54.000 tỷ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 131.000 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực quản lý bền vững đô thị là 31.000 tỷ đồng, cho vay lâm nghiệp bền vững là 13.600 tỷ đồng, cho vay năng lượng tái tạo mới đạt trên 8.000 tỷ đồng. Cũng tính đến hết tháng 3/2019, dư nợ tín dụng đánh giá theo rủi ro môi trường xã hội đạt gần 314.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là 138.000 tỷ đồng.

Tiếp cận tín dụng từ Quỹ bảo vệ môi trường

Theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, chủ đầu tư các dự án thuộc Danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi hỗ trợ sẽ được hưởng các ưu đãi về huy động vốn đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các Quỹ bảo vệ môi trường địa phương. Hiện nay, Việt Nam đã hình thành được hệ thống các quỹ bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương với 01 Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) và 44 Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương với tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để thực hiện chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất các các chương trình, dự án các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu không nằm trong kế hoạch ngân sách trong phạm vi toàn quốc. Về chính sách vay ưu đãi, chủ đầu tư các dự án được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước, tổng mức vay vốn không quá 70-80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn.

Lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí lựa chọn cho vay ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường gồm:

  1. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.
  2. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.
  3. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.
  4. Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.
  5. Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.
  6. Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.
  7. Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường dán nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.
  8. Quan trắc môi trường.

Lĩnh vực ưu tiên tài trợ của Quỹ bao gồm:

  1. Xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra;
  2. Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác;
  3. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền về quản lý, khai thác tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường;
  4. Các chương trình, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  5. Tổ chức, hỗ trợ trao các giải thưởng về môi trường, các hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  6. Các dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tính đến 31/12/2018, trong tổng vốn đã sử dụng của Quỹ, hoạt động cho vay chiếm 76%, tài trợ chiếm 4%, hỗ trợ giá điện gió 10%, trợ giá sản phẩm dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), không có hoạt động hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Cụ thể, Quỹ đã tài trợ 183 Dự án trên 32 tỉnh, thành phố với số tiền trên 91 tỷ đồng; cho vay 294 Dự án trên 54 tỉnh, thành phố với số tiền trên 2.522 tỷ đồng.

Như vậy, sau 8 năm hoạt động từ khi thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Bảo vệ môi trường tuy đạt được một số kết quả nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận còn tương đối hạn chế.

Phát triển sản phẩm tài chính xanh

Để huy động vốn cho các dự án kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (dự án xanh), thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh cũng đã được phát triển trong thời gian vừa qua, cụ thể là phát triển sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp xanh: Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó quy định trái phiếu doanh nghiệp xanh được phát hành để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định đầy đủ các nguyên tắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo thông lệ quốc tế. Yêu cầu công ty đại chúng công bố về các tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty tại báo cáo thường niên, quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Bộ Tài chính (đại diện là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã tổ chức các Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên và trao Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững từ năm 2013 đến nay; công bố Chỉ số Bền vững Việt Nam (VNSI) theo Bộ tiêu chuẩn của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) và Bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD về Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) nhằm nâng cao nhận thức đầu tư và phát triển bền vững, tăng cường minh bạch thông tin trên thị trường.

Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam do quy mô thị trường chứng khoán còn hạn chế, thị trường trái phiếu tuy đã có bước phát triển trong thời gian qua nhưng quy mô còn nhỏ, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp; các tổ chức định mức tín nhiệm chưa phát triển. Vì vậy, công cụ tài chính xanh cũng chưa thực sự phát triển ở Việt Nam.

Chính sách ưu đãi về thuế, phí, đất đai cho các dự án tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường

Theo Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: Sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng.

Ngoài ra, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 cũng đã có các quy định miễn thuế với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường (Điều 16) và xác định rõ nguyên tắc định hướng xây dựng biểu thuế suất trong đó dành ưu đãi đặc biệt với hàng hóa liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường (Điều 10).

Về lệ phí trước bạ, Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ quy định miễn lệ phí trước bạ, cụ thể: (i) Nhà, đất của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường theo quy định của pháp luật đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà phục vụ cho các hoạt động này; (ii) Nhà, đất của cơ sở ngoài công lập đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà phục vụ cho các hoạt động trong lĩnh vực môi trường theo quy định của pháp luật.

Chính sách về hỗ trợ kinh doanh bao trùm

Nhìn chung tại Việt Nam hiện nay, chưa có chính sách hay Chương trình, hoạt động hỗ trợ phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, mà có sự giao thoa ở một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp sử dụng nhiều người khuyết tật, v.v... vì đa phần người nghèo, người lao động tại các doanh nghiệp xã hội là người yếu thế, người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện mới đưa ra các quy định để phân biệt và ghi nhận loại hình doanh nghiệp xã hội, quy định cơ chế để các doanh nghiệp xã hội nhận viện trợ, tài trợ.

Điều 34 Luật Người khuyết tật quy định “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, theo Báo cáo nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản có liên quan về lao động là người khuyết tật năm 2018 của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nhìn chung, các cơ sở sản xuất kinh doanh còn khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi khi sử dụng lao động là người khuyết tật, chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi, điển hình như: (i) chính sách hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với người khuyết tật; (ii) chính sách ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh; (iii) doanh nghiệp gặp phải nhiều phiền phức khi thực hiện quy định như không sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm,... do vậy, trên thực tế rất ít doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc.

Như vậy, nhìn chung, các mô hình kinh doanh bao trùm hiện nay chưa có chính sách, hoạt động hỗ trợ chính thức từ nhà nước.

Một số Chương trình, Dự án liên quan

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐTTg ngày 24 tháng 6 năm 2020. Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình qu n lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm được sản xuất trong nước.

Chương trình đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và giao nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương để triển khai các nhiệm vụ theo phụ lục được phê duyệt tại Quyết định.

Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” (Chiến lược SXSH) được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐTTg ngày 07 tháng 9 năm 2009. Chiến lược đã xác định mục tiêu “Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững”. Sau hơn 10 năm thực hiện, Chiến lược SXSH đã được triển khai trên khắp cả nước, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Chiến lược SXSH.

Trong thời gian thực hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành trên 20 hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành dệt, giấy, tinh bột sắn, bia, mạ điện, đúc, xi măng, tấm lợp, sơn, dừa, NPK..., và đang tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành khác như chế biến thủy sản, mây tre lá, nhựa tái chế, đường... Song song đó, Bộ cũng đã phối hợp với các tỉnh, các tổ chức tư vấn tiến hành tư vấn kỹ thuật dưới dạng đánh giá nhanh cho trên 400 các cơ sở sản xuất, đánh giá chi tiết cho hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó, 2/3 số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này đã được nhận hỗ trợ đầu tư.

Các hoạt động nâng cao năng lực đã được Bộ Công Thương triển khai sâu rộng tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước với 60 hội thảo giới thiệu về SXSH cho 4.000 lượt người tham dự, 120 hội thảo tập huấn chuyên sâu về SXSH đã được tổ chức cho gần 2.300 học viên từ các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước. Để các địa phương, doanh nghiệp có thể tự chủ động tiếp cận SXSH, Bộ Công Thương ngay từ đầu đã rất chú trọng đến việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ SXSH. Thông qua hệ thống các trung tâm khuyến công, hỗ trợ phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng, đến nay, một mạng lưới bao gồm gần 50 các tổ chức có hoạt động hỗ trợ về SXSH đã được hình thành trên khắp cả nước. Trong đó, gần 400 cán bộ của các Sở Công thương đã được đào tạo chuyên sâu về SXSH nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt cho các hoạt động tư vấn, hướng dẫn thực hiện sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp.

Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các hoạt động của Chiến lược trong giai đoạn này còn có nhiều thuận lợi khi được lồng ghép thực hiện với các chương trình khác như Chương trình khuyến công quốc gia, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả...

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó các khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí từ Trung ương cũng như địa phương còn rất hạn hẹp; nhân sự chuyên trách triển khai thực hiện hoạt động sản xuất sạch hơn thực sự chưa đáp ứng tốt được yêu cầu về trình độ, năng lực và phương tiện làm việc và biến động khá nhiều. Chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đạt được các mục tiêu cụ thể của Chiến lược.

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019.

Dự án được thực hiện thí điểm tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); KCN Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).

Mục tiêu của Dự án là giúp hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN tận dụng tối đa đầu vào nguyên liệu thô, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, sử dụng tiết kiệm nước cũng như đảm bảo an toàn về sử dụng hóa chất và quản lý nước thải thông qua việc hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về chuyển giao công nghệ mới nhất và tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn.

Các hoạt động hướng đến kinh tế tuần hoàn trong Khu Công nghiệp sinh thái như: quản lý nước, quản lý chất thải; sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ bền vững, tạo ra các chuỗi cung ứng bền vững, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; đỏi mới quá trình sản xuất (mô hình Rs): tư duy lại, giảm thiểu, tái thiết kế, tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất, tái chế.

Kết quả là, sau 5 năm triển khai dự án, đã có 3 KCN sinh thái được áp dụng với 402 giải pháp tại 72 doanh nghiệp. Các giải pháp này đã đem lại các lợi ích kỹ thuật và lợi ích môi trường rõ rệt cho 72 doanh nghiệp tham gia. Cụ thể, lũy kế tác động của dự án sau 5 năm thực hiện như tiết kiệm 8.814 tấn nguyên vật liệu/năm; tiết kiệm điện 37.546.636 kWh/năm; tiết kiệm nhiên liệu than 15.323 tấn than/năm; giảm tiêu thụ nước 856.208 m3 nước/năm; giảm tiêu thụ hóa chất 31,8 tấn/năm; giảm chất thải rắn 9.339 tấn/năm; giảm thải CO2 61.127 tấn/năm;...

Hiện nay, chính sách về khu công nghiệp sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong đó Điều 43 quy định về ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái, cụ thể có các ưu đãi như sau:

  1. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hoạt động cộng sinh công nghiệp được Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chứng nhận là doanh nghiệp sinh thái trong khu công nghiệp.
  2. Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước và quốc tế để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và các giải pháp cộng sinh công nghiệp.
  3. Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý.
  4. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái được ưu tiên cung cấp thông tin liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chương trình “Vay vốn không lãi suất - Trả vốn từ thiện cho cộng đồng”dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tổ chức Thriive Hà Nội

Chương trình được tài trợ bởi Tổ chức Thriive Hoa Kỳ, triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực. Thriive hỗ trợ doanh nghiệp có yếu tố người khuyết tật (có chủ doanh nghiệp là người khuyết tật hoặc có phần lớn lao động trong doanh nghiệp là người khuyết tật) vừa và nhỏ vay vốn không lãi suất với số vốn tối đa là 6000$ (tương đương khoảng 120 triệu VND), để mua trang thiết bị, máy móc phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không phải trả lại tiền mặt cho dự án mà sẽ trả tiền vốn vay đó cho cộng đồng bằng cách giúp đỡ các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội gồm có người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi hay gia đình thương binh, liệt sĩ qua hình thức trao tặng sản phẩm hoặc đào tạo nghề cho các đối tượng đó.

Doanh nghiệp muốn vay vốn phải là doanh nghiệp có yếu tố người khuyết tật (có chủ doanh nghiệp là người khuyết tật hoặc có phần lớn lao động trong doanh nghiệp là người khuyết tật), là doanh nghiệp vừa và nhỏ (có từ 2 - 30 lao động), nằm trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận trong (< 70 km), đã hoạt động ít nhất 1 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ, cần vốn vay Thriive để mua trang thiết bị, máy móc đáp ứng nhu cầu phát triển và tạo thêm việc làm mới và người đăng ký tham gia chương trình phải là chủ sở hữu chính và nắm quyền quyết định trong doanh nghiệp.

Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2005, đến nay dự án Dự án Thriive đã cho 150 doanh nghiệp vay vốn, mỗi doanh nghiệp vay vốn từ 50 triệu đồng đến 120 triệu đồng không tính lãi suất, giúp được hơn 122.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Thu Vân (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thuc-trang-chinh-sach-chuong-trinh-ho-tro-doanh-nghiep-kinh-doanh-ben-vung-7236.html

In bài viết