13:15 | 26/01/2021

Thông điệp đầu năm

Ngày tết người ta quên đi đói khổ, giấu bớt bần cùng. Người già gặp niềm tôn kính, trẻ em được sự nuông chiều. Người thân quen tìm nhau trong tay bắt, mặt mừng. Nhà cửa suốt năm bề bộn cũng được quét rọn, trưng bày sạch sẽ. Trong nhà, ngoài phố rộn rã tiếng cười tiếng nói, mất hẳn những tiếng cãi lộn chửi thề mà chỉ thấy những lời cầu phúc, chúc tụng. Ngày tết biến xã hội trần gian thành bồng lai tiên cảnh, biến cuộc sống hiện thực thành thiên đường ước mơ. Bữa cơm thanh đạm hằng ngày được thay thế bằng những món ăn thịnh soạn tùy hoàn cảnh kinh tế từng gia đình trong đó không thể thiếu miếng bánh Chưng xanh, có bánh Chưng là thấy hương vị ngày tết.
thong diep dau nam
Ảnh minh họa

Phong tục cổ truyền là thế nhưng đằng sau nó đã nói lên sự quý trọng của người việt với hạt gạo, với nền văn minh nông nghiệp, thấp thoáng sau lưng câu truyện là ý hướng giáo dục sâu sắc về văn hóa dân tộc như một thông điệp đầu năm mới

Trời tròn, đất vuông

Thái tử Liêu không phải là con trưởng nhưng đã được Vua Hùng trọn làm người kế vị vương nghiệp vì thái tử Liêu đã biết làm bánh Chưng, bánh Dầy dâng lên vua. Thứ mộc mạc ấy xuất phát từ những sản phẩm nông nghiệp hằng ngày, việc kết hợp nhuần nhuyễn các nông sản để hình thành sản vật dâng vua chứng tỏ thái tử đã nắm vững và biết vận dụng tinh hoa, văn hóa dân tộc vào cuộc sống, điều đó bảo đảm thái tử có tài an dân, trị quốc theo đúng truyền thống và đủ sáng tạo để đưa đất nước đi lên với những phương tiện bình thường sẵn có.

Bánh Dầy tượng trưng cho trời, nhìn từ hình thức là một khối thuần nhất, chắc dẻo, màu trắng trinh nguyên của hạt gạo nếp, hình tròn, mặt trên hình vòng cung như bầu trời. Bánh Dầy nhắc nhở lòng tôn kính và biết ơn trời đất, các vị khai sáng quốc gia và các bậc sinh thành dưỡng dục bản thân. Trong xã hội Việt Nam xưa, bánh Dầy là một trong những lễ vật tinh khiết được dùng để tế trời hoặc tế thần bày tỏ lòng sùng kính suy tôn, tin nhận trời là chủ tể trời đất, thần là chủ trị địa phương. Bánh dầy còn làm quà biếu trong những tiệc khao vọng, thăng quan tiến chức hoặc thi cử đỗ đạt bày tỏ lòng tri ân với trời, với cha mẹ, nhờ ơn phúc ấy mà có chức quyền danh vọng, qua đó cũng chia sẻ lộc trời cho tha nhân. Theo cung cách người xưa, mỗi lần dâng bánh dầy lên tế trời, tế thần là một lần phản tỉnh để xem xét lại tư duy, lời nói hành động của chủ tế, đồng tế, nhân dân trong nước xem sống có phù hợp với đạo trời? có làm gì trái ý trời, phụ lòng dân không? Có đem sức sáng của đạo trời chiếu soi mọi sịnh hoạt của quốc gia địa phương không? Có biết đoàn kết yêu thương kết thành một khối chắc - dẻo như cùng được sinh ra bởi một cha, một sinh khí hay không?

Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất phải gói, phải cột, phải nấu chín, phải có nhân. Bánh chưng tượng trưng cho đất, cho mẹ, cho vẻ đẹp xanh tươi, mềm mại của tiên. Tính chất phức tạp của việc gói bánh chưng cũng diễn tả sinh hoạt nhiêu khê, phiền toán, đa dạng của mặt đất. Bánh chưng gói gém hoa màu, ruộng đất và công lao của nhà nông, biến những lương thực hằng ngày như gạo, thịt, mỡ, đậu, hành, tiêu…thành những hương vị đặc biệt ngày tết.

Bao dung và che chở

Trong dịch lý, Khôn là biểu tượng của đất, của mẹ, của khí âm. Theo Chất thì Khôn mềm, thuận nhưng khi động thì cứng, bền vì nó ứng với trời, đất theo trời mà động, quay vòng từng giây phút, đúng thời mà không ngưng nghỉ. Theo Thể thì Khôn tĩnh, vẽ ra hình vuông, không lăn, không chao đảo, vững bền để chuyên chở và nuôi sống muôn vật. Đức của khôn vừa sáng, vừa lớn.

Trong hình đồ bát quái thì Khôn mang hành thổ, thuộc âm thổ màu vàng, vùng đồng ruộng, tính mềm mại, nhu thuận, sẵn sàng nuôi dưỡng, bao dung và che chở muôn vật. Bánh chưng mềm và dẻo, người trẻ ăn ngon miệng mà người già cũng dễ nuốt; Bánh chưng như người mẹ bao dung, nuôi nấng, dạy dỗ, bao bọc từng con từ trong bào thai tới lúc mẹ nhắm mắt. Ngày tết, ngày sum họp gia đình, ăn miếng bánh chưng là cảm nghĩ về mẹ, sống với lòng mẹ bao dung và thuận thảo. Anh, chị em bó gói lấy nhau vì cùng một ruột, cùng mẹ sinh ra, ngày tết là ngày vui của gia đình, vui nhất là vui sum họp.

Công bằng xã hội

Bánh chưng còn dạy phép Tỉnh điền và tổ chức xã thôn Việt Nam ngày xưa. Ở giữa là khu dân cư có lũy tre xanh bao bọc, ruộng đất màu mỡ thì để làm công điền, công thổ còn lại xung quanh mới chia riêng ra có bờ mốc rành mạch, chính xác. Vấn đề quan trọng là chia cho đều, bánh chưng có 4 dây, lạt gói bánh chia thành 9 miếng bằng nhau, nếu miếng to miếng nhỏ sẽ bị người ta chê cười gói vụng không chấp nhận được, gói khéo không chỉ đẹp mắt mà còn vuông vắn, công bằng như nhắc khéo những công bằng trong xã hội.

Bánh chưng vuông góc, thẳng cạnh, để đâu còn đó, không lăn đi chỗ khác, không lăn vào túi ai và chỉ có thể cắt ra từng miếng chứ không thể vo chòn, kéo dãn hay thu nhỏ lại. Bước sang năm mới là mốc thời gian để tổng kết công việc công việc cơ quan, gia đình, kết toán sổ sách, thành công hay thất bại trong cuộc sống cá nhân và xã hội kể cả cuộc sống nội tâm.

Văn ngôn của quẻ Khôn nói: “Thẳng là chính, vuông là nghĩa. Người quân tử lấy kính để làm thẳng bên trong, lấy nghĩa để làm vuông bên ngoài. Giữ kính nghĩa thì đức không cô đơn. Thẳng, vuông, lớn không phải tập, không gì không lợi, không e ngại điều mình làm”. Thẳng là thẳng trên thẳng dưới, trong bụng không có mảy may cong quẹo, luôn luôn nắn thẳng lại những đường lối những ý đồ lắt léo…Còn Vuông là dứt khoát, đứng lẽ phải, đúng pháp luật, có cạnh có góc thẳng thắn, trong xử lý công việc phải dứt khoát, đúng luật chứ không tùy tiện uốn cong.

Chín sao, 12 tháng

Ngày tết, nhìn bánh chưng có chín miếng còn nhắc tới Cửu Diệu, mỗi sao ứng với mỗi người trong năm, đây chủ yếu nhắc nhở mỗi người phải thận trọng: thận trọng trong làm ăn; thận trọng trong lời nói cũng như hành động; trong lối sống với người nhà, người ngoài; thận trọng mỗi lúc, mỗi nơi. Chín sao, 12 tháng cho thấy ở đời may ít rủi nhiều, đầy rẫy khó khăn cho nên luôn phải thận trọng từ đầu năm đến cuối năm và năm nào cũng vậy. Vì vậy bản thân phải tự lập, tự cường, không đua đòi chạy theo, không bị ám ảnh sợ sệt do miệng lưỡi người đời. Bài thơ Cửu Diệu xin ghi:

“ Sao La - hầu tháng giêng tháng bảy thấy hung nguy, tai nạn

Sao Thổ - tú, Thủy - diệu tháng tư, tháng tám buồn

Sao Thái - dương tháng sáu, tháng mười được tiền bạc

Sao Vân - hớn tháng hai, tháng tám đề phòng miệng đời

Sao Kế - đô tháng ba, tháng chín khóc buồn thảm

Sao Thái - âm tháng chín tối, tháng mười một xấu

Sao Mộc - đức tháng mười hai ơn phúc tới”.

Nhân hòa

Bánh chưng ngon hay dở là do kỹ thuật gói và nấu nhưng yếu tố quyết định là do Nhân. Nếu nhân ngon thì bánh ngon, nhân cũng là lối chơi chữ của các cụ thời xưa, nhân còn là người. Nhân nằm trong bánh như con người sống giữa trời đất, con người nhỏ bé trong vũ trụ bao la nhưng khi con người phát triển hết khả năng tâm thức của mình thì biết tính mệnh, biết tính mệnh thì biết trời đất, biết hấp thụ khí hạo nhiên của trời đất, hòa đồng với trời đất trở thành nhất thể với trời đất.

Trong nhất thể thì bộ ba: Thiên - Địa - Nhân mỗi thế có sứ mệnh riêng, các tinh tú xoay vần, mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng, bốn màu thay đổi, âm dương biến hóa, gió mưa tuần hoàn, vạn vật mỗi thứ đều được hòa mà sinh, đó là sứ mệnh của trời đất. Sứ mệnh của con người là biết dùng những gì trời đất trao ban mà tự tu, tự tỉnh, tự giác. Ca tụng trời, nghĩ tới đất, lấy lẽ phải mà dùng.

Giữa ba thế Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa thì các cụ xưa chú trọng đến Nhân hòa hơn hết, đây là thế đứng dựa vào lòng dân, theo ý dân, lấy dân làm gốc. Nguyễn trãi đã khẳng định sức mạnh của dân như sức nước có thể chở thuyền hay lật úp thuyền, tư tưởng lấy dân làm gốc vừa là chính khí, chính nghĩa, vừa là tình cảm êm ái bao la của ông. Vua Quang trung cũng chủ trương “Dựng nước lấy việc học làm đầu, trị nước lấy việc trọn nhan tài làm gốc. không lấy việc càu hiền làm nhục”

Thiên thời không bằng Địa lợi, Địa lợi không bằng Nhân hòa. Nhân trong bánh Chưng là ẩn dụ trình bày ý nghĩa và giá trị con người giữa Thiên- Địa, đồng thời đề cao ưu thế vượt trội của Nhân hòa. Bỏ dân là bỏ gốc để kích thích hoa quả, hoa tàn thì cây héo, hết trái thì cây tàn. Bài học tự nhiên ấy đã trở thành nguyên lý mà ngàn xưa Việt nam vẫn quý trọng. Nhân trong bánh Chưng như thông điệp đầu năm và thần thoại rồng tiên như thông điệp mở nước, văn học truyền khẩu đã đẩy mạnh công tác xây dựng con người dù rất phức tạp. Nhân không bao giờ thuần nhất, độc vị. Nhân phải có đầu, thịt, mỡ, hành, tiêu…xã hội con người cũng thế, “Hòa nhi bất đồng” như Nhân trong bánh Chưng.

Câu chuyện bánh Chưng, bánh Dầy là di huấn cụ thể về quan niệm vuông tròn do tiền nhân để lại. Nhân dân Việt nam trong cuộc sống hằng ngày luôn luôn phối hợp việc tôn trọng luân lý, đạo đức pháp luật với việc thuận hợp nhân tình. Bàn về lý thì vuông ra góc cạnh mà xử về tình thì tròn như trăng rằm. Nguồn gốc bánh Chưng, bánh Dầy đã được thuần thoại hóa phần nào nhưng thực chất là gói gém ý hướng giáo dục của tiền nhân. Mỗi chuyển biến trong thời gian, trong cuộc đời là một chuyển biến đánh động tâm tư, sống cho ra người, biết trời biết đất, có trước có sau, biết cha biết mẹ, biết sống có ý nghĩa một đời người, biết xây dựng hòa bình cho đất nước, tiến bộ cho xã hội. Nói vắn gọn là sống sao cho vuông tròn, cho đạt tình thấu lý với các đối tượng tương quan, tương tác.

Nguyễn Duy

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thong-diep-dau-nam-7335.html

In bài viết