18:08 | 04/04/2019

Lễ hội Đền Đức Bà: Sự tích về ca trù Xứ Đoài

Hà Nội là địa phương có nhiều di sản và lễ hội nhất cả nước, phần lớn các lễ hội đều diễn ra vào đầu năm mới, tạo nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách gần xa. Lễ hội Đền Đức Bà: Đệ nhị cung phi hoàng hậu là một trong những lễ hội truyền thống được diễn ra hàng năm, đầu tháng 3 âm lịch tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Chúng tôi về Thượng mỗ vào những ngày cuối tháng 2 âm lịch, ai cũng đều cảm nhận được không khí rộn ràng của lễ hội truyền thống tại nơi đây, từ đầu con đường bê tông dẫn vào xã được treo hàng loạt cờ, băng zôn, khẩu hiệu, tất cả những con đường dẫn về Đền Đầm Giếng vào những ngày này đều được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng để chuẩn bị cho buổi lễ. Lễ hội Đền Đức Bà được UBND xã Thượng Mỗ kết hợp với Ban quản lý Đền Đầm Giếng tổ chức thường niên hàng năm, đây là lễ hội kể về sự tích của chiếc nôi ca trù Xứ Đoài.


Đường làng dẫn vào Đền Đức Bà

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ chia sẻ: “Lễ hội truyền thống Đền Đức Bà Đệ nhị cung phi hoàng hậu của xã Thượng Mỗ được tổ chức thường niên hàng năm từ ngày mùng một đến ngày mùng ba, tháng ba âm lịch tại đền Đầm Giếng, thôn An Sơn 1, xã Thượng Mỗ. Vào những ngày này, bà con, nhân dân trong và ngoài xã đều mang các lễ vật, đồ chay, đồ mặn đến Đền Đầm Giếng để dâng lễ và cầu tài, lộc, bình an. Ngay từ sáng sớm mùng một, lễ dâng hương và các hoạt động tế, lễ khác được tổ chức trọng thể và tổ chức đón, tiếp du khách thập phương về kính lễ; ngày mùng 2 là tổ chức các trò chơi dân gian như: bịt mắt, bắt vịt, chơi đánh cờ, kéo co và giao lưu hát quan họ do những bà con nhân dân trong làng biểu diễn ngay trên chính đầm ở trong đền; ngày mùng 3 là ngày cuối, cũng là ngày các cụ bô lão trong làng cùng ban tổ chức làm lễ tạ”.


Cổng chính vào Đền Đức Bà

Chuyện xưa kể rằng, vào những năm cuối của thế kỷ XVII, vua Lê Chính Hoà trong một lần đi kinh lý các xã thuộc Phủ Hoài Đức, khi đi qua cánh đồng làng Đại Phú, nay thuộc xã Thượng Mỗ, nhà vua bất chợt nghe tiếng hát trong trẻo, có giai điệu hết sức lạ cất lên từ ruộng lúa trĩu bông đang chờ ngày thu hoạch: “ Tay cầm bán nguyệt thênh thang. Hàng trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta...” tiếng hát của người con gái đầy ẩn ý, mượt mà trong sáng đến nỗi nhà vua không nén nổi lòng mình, sai quân dừng kiệu. Vua Lê Chính Hòa yêu cầu đích thân quan Thượng thư Bộ Lễ xuống tận ruộng lúa mời cô thôn nữ đến bên kiệu xem mặt. Sau ba ngày kinh lý, về đến Phủ Hoài Đức, vua lệnh cho các quan chuẩn bị lễ vật, mang kiệu về làng Đại Phú đón người con gái đó về làm vợ, sắc phong là Đệ nhị cung phi, phụ trách các phi tần, dạy lễ nhạc trong Nội Điện, đặc biệt là dạy hát ca trù. Khi mất, bà được an táng tại cánh đồng làng Thượng Mỗ. Nhân dân thương tiếc người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đã lập đền thờ bà bên Đầm Giếng. Người con gái ấy chính là bà Nguyễn Thị Hồng, bà chúa của những điệu ca trù vùng quê Thượng Mỗ, hàng năm vào ngày 2/3 Âm lịch - ngày hóa của bà, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ tế trọng thể tại Đền để tưởng nhớ công đức của bà. Bài văn tế "Đệ nhị cung phi" cùng cuốn thần tích được trân trọng, giữ gìn.

 Doãn Chiến

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/le-hoi-den-duc-ba-su-tich-ve-ca-tru-xu-doai-764.html

In bài viết