16:40 | 15/05/2019

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Vị bác sĩ tài ba mang tâm hồn nghệ sĩ

Khi không khoác trên mình tấm áo blouse trắng, nhiều người thường nghĩ ông là một nhà văn, nhà thơ, hay một nhạc sĩ bởi dáng vẻ cao gầy, mái tóc dài đậm chất nghệ sĩ, đặc biệt là phong thái vô cùng lạc quan, yêu đời. Ấy vậy mà ở ông - một vị bác sĩ nổi tiếng đã cứu chữa hàng nghìn người bệnh, không những vậy, ông còn là một nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, mà ở cương vị nào, ông cũng đạt được những thành tựu vô cùng nổi bật. Chắc hẳn, sẽ rất nhiều người thắc mắc tại sao cùng một lúc ông có thể làm được nhiều việc thành công như vậy mà vẫn giữ được vẻ trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện sau đây với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng để hiểu thêm về con người ông, đặc biệt là lắng nghe những chia sẻ của ông về cách cân bằng cuộc sống để luôn có một tinh thần thư thái, vô tư.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Vị bác sĩ tài ba mang tâm hồn nghệ sĩ


PGS Dũng báo cáo poster tại Hội nghị khoa học về Bệnh Phổi trẻ em toàn Thế giới lần thứ XVII tại Tây ban Nha tháng 6-2018


PV: Là một bác sĩ, phần lớn thời gian ông dành cho việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, vậy thời gian nào ông dành cho nghiên cứu khoa học và những thành tựu nổi bật của ông trong nghiên cứu là gì?
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng: Tôi luôn cố gắng sử dụng tối đa thời gian trong ngày. Tất cả thời gian nghiên cứu, viết sách, tôi đều thực hiện ở nhà, từ khoảng 9 giờ tối đến 12 giờ đêm. Với tôi, nghiên cứu khoa học là để phục vụ cho công việc khám chữa bệnh và với mục đích làm sao để cứu được nhiều bệnh nhân hơn. Trong số những công trình nghiên cứu mà tôi đã thực hiện, tôi đều dành rất nhiều tâm huyết và có thể kể đến một số thành tựu đã mang lại hiệu quả cao trong y học và được đón nhận cho đến ngày nay, đó là nghiên cứu về các bệnh đường hô hấp như: Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, trong đó cụm công trình nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị viêm phổi đã góp phần cứu sống rất nhiều trẻ bị viêm phổi nặng. Cụm công trình thứ 2 là sử dụng kháng sinh hợp lý ở trẻ em. Công trình này có sự phối hợp với đại học Harvard Hoa kỳ đã đem lại nhiều điều bổ ích và lý thú giúp cho việc cung cấp các kiến thức, thực hành và những kinh nghiệm cho các thầy thuốc, dược sĩ và người dân nhằm giảm lạm dụng kháng sinh cho trẻ em. Những năm gần đây do hiện tượng đô thị hóa quá nhanh làm xấu đi môi trường sống, trong đó đặc biệt là môi trường không khí do đó bệnh hen suyễn tăng lên rõ rệt và cụm công trình thứ 3 đang được tiếp tục nghiên cứu sâu về chẩn đoán và điều trị cơn hen cấp cũng như dự phòng bệnh hen ở trẻ em mang lại nhiều lợi ích


PGS Dũng cùng ban nhạc hát giao lưu mừng Hội nghị Nhi khoa Việt-Mỹ lần thứ 7 năm 2018

PV: Được biết, bên cạnh công việc khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học thì ông cũng thường xuyên đi tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ tại các bệnh viện địa phương cũng như dành rất nhiều sự quan tâm trong công tác đào tạo các bác sĩ trẻ. Ông có thể chia sẻ thêm với chúng tôi về lĩnh vực này không?
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng: Đúng là như vậy, bên cạnh khám chữa bệnh, tôi còn tập trung vào vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ, đi các địa phương để tập huấn cho các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Gần đây tôi tham gia vào Dự án phòng chống các bệnh không lây nhiễm của Nhà nước về bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đây là một loại bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống và cũng tiêu tốn nhiều nguồn lực của xã hội. Tôi đã trực tiếp đi đến các bệnh viện tỉnh và huyện để giảng bài, kiểm tra giám sát việc thực hiện dự án ở tại cơ sở. Trong các cuộc đi thăm, tôi gặp rất nhiều trường hợp xúc động: có cụ già bị bệnh phổi mãn tính, cụ ước làm sao có thể điều trị được dứt điểm căn bệnh này để cụ không phải vào viện nữa; có cụ lại tâm sự bệnh viện như nhà của mình vì phải vào điều trị thường xuyên. Dự án này rất ý nghĩa, chỉ bằng các biện pháp đơn giản, lại không cần nhiều thuốc men, chủ yếu dạy bệnh nhân cách phòng bệnh và cách sử dụng thuốc sao cho hợp lý, để từ đó, người bệnh có thể tự chữa ở nhà được, đỡ được rất nhiều chi phí cho gia đình và xã hội.
Tại khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, tôi thường xuyên khám hội chẩn cho các căn bệnh khó, những trường hợp đi khắp nơi mà không tìm ra bệnh, những trường hợp ốm nặng “thập tử nhất sinh” và qua những cuộc hội chẩn hàng ngày, như vậy đã phần nào đó giúp các bác sĩ trẻ có thêm kinh nghiệm xử lý các trường hợp tương tự. Bằng những kinh nghiệm thực tế, tôi đã tổng kết và viết thành cuốn sách “Cấp cứu nhi khoa” vừa xuất bản trong năm 2018. Cuốn sách này đề cập tới cả những bệnh thông thường mà nhiều khi các bác sĩ ở tuyến dưới nếu không để ý cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cứu chữa bệnh nhân.
Ví dụ như có rất nhiều trường hợp cứ bị rắn cắn (kể cả trường hợp nhẹ) đều chuyển hết lên bệnh viện Bạch Mai mặc dù ở tuyến dưới có thể chữa được. Hay những trường hợp khó như bệnh đột quỵ, trong khi nhiều người vẫn nghĩ chỉ xảy ra ở người già, nhưng thực tế, đột quỵ xảy ra ở trẻ em rất nhiều. Bằng những máy móc hiện đại, y học đã phát hiện ra những dị dạng mạch máu não ở trẻ và Bệnh viện Bạch Mai là một nơi chẩn đoán rất nhanh, chữa kịp thời và toàn diện, từ can thiệp mạch máu cho đến phẫu thuật, hồi sức sau mổ, chính vì thế cho đến nay, bệnh viện và khoa chúng tôi đã cứu được nhiều cháu bị đột quỵ do bị dị dạng bẩm sinh các mạch máu trong não. Tất cả những kiến thức này đều được tôi đúc kết lại trong cuốn sách này nhằm cung cấp thêm những kiến thức mới về những căn bệnh mà trước kia chưa chữa được thì giờ chúng ta đều có thể chữa khỏi.
Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế thì hiện tại, tôi đang là cố vấn các bệnh phổi trẻ em toàn thế giới, nên năm nào tôi cũng tham gia cùng họ. Mỗi năm tổ chức ở một nước, hiện giờ tôi không chỉ là báo cáo viên mà còn được mời làm chủ tọa đàm nữa. Năm nay, Nhật Bản mời tôi sang để làm chủ tọa đàm một số phiên họp của họ. Thông qua công việc này, tôi cũng rất lấy làm vinh dự vì qua đó thế giới biết đến nhiều hơn về vai trò của các bác sĩ Việt Nam.
Hiện nay, công việc Nghiên cứu khoa học của tôi vẫn tiếp tục thông qua việc giảng dạy, hướng dẫn cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh, đến nay có 4 tiến sĩ do tôi hướng dẫn đã bảo vệ thành công rồi và giờ còn 2 bác sĩ đang làm nghiên cứu sinh. Thông qua các đề tài, các em trực tiếp nghiên cứu còn mình là người chỉ đạo, gợi mở cho các em về hướng nghiên cứu, năm nào cũng có các bài báo để đăng trong các tạp chí trong nước và quốc tế.


PGS Dũng trong chuyến công tác về Dự án Hen-COPD tại BV Lao-Bệnh Phổi Tp Cần Thơ


PGS Dũng giảng bài cho các bác sĩ và dược sĩ làm việc tại một số tỉnh miền Bắc


PV
: Cùng một lúc ông giữ nhiều vai trò, chắc hẳn sẽ có lúc ông gặp nhiều áp lực trong công việc, vậy bí quyết nào để ông vượt qua được những áp lực đó và cách mà ông cân bằng cuộc sống như thế nào để có được một phong thái lúc nào cũng lạc quan, yêu đời như vậy?
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng: Đúng là nếu chỉ làm công việc chuyên môn đơn thuần thì phần nào đó sẽ đơn điệu và có lúc làm cho mình cảm thấy mệt mỏi, nếu mệt mỏi thì không thể có đủ sức khỏe để quay trở lại làm chuyên môn tiếp, vì vậy tôi chọn cách nghỉ ngơi không phải là nằm ngủ mà là nghỉ ngơi trong hoạt động. Trong mỗi chuyến đi công tác, những lúc rảnh tôi thường đi ngắm cảnh ở những vùng đất mới, ngắm nhìn nhân dân, ngắm nhìn phố thị, cách khác nữa là trò chuyện, giao lưu với các thầy thuốc, các bệnh nhân ở địa phương đó và dành thời gian đi du lịch. Đối với tôi, văn nghệ rất quan trọng, vì thế tôi luôn luôn học hát và cùng một số người bạn thành lập ra một ban nhạc để chơi. Chúng tôi thường cùng nhau biểu diễn cho mọi người xem trong dịp sinh nhật, hay trong các buổi giao lưu giữa các bệnh viện, giao lưu với các nhà báo nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và các đoàn chuyên gia nước ngoài… Những hoạt động này tôi cảm thấy rất vui vì giúp mình nghỉ ngơi tích cực và có thêm sức khỏe để làm việc. Có thể mọi người sẽ thấy lạ vì đến bây giờ tôi vẫn làm việc đến sau 12 giờ đêm mới đi ngủ, gần 6 giờ sáng hôm sau tôi đã dậy rồi. Đối với tôi, việc giữ gìn sức khỏe rất quan trọng và muốn giữ sức khỏe thì nên làm việc, học tập, cống hiến và nghỉ ngơi tích cực. Và một điều đặc biệt nữa là để tinh thần luôn thoải mái, thì các hoạt động văn hóa, văn nghệ bên cạnh hoạt động chuyên môn là vô cùng cần thiết.
Chân thành cảm ơn ông !

 Thiên Kim

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/pgsts-nguyen-tien-dung-vi-bac-si-tai-ba-mang-tam-hon-nghe-si-784.html

In bài viết