15:14 | 13/12/2021

Quan điểm của Đảng về nguyên tắc tổ chức hoạt động qua các văn kiện đảng giai đoạn 1930-1945

Trong các văn kiện của Đảng, nhất là trong báo cáo chính trị, báo cáo về xây dựng Đảng và trong cương lĩnh, điều lệ được các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thông qua, thường gặp khái niệm những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng là những điều cơ bản được Đảng định ra và yêu cầu mọi đảng viên, mọi cấp ủy và mọi tổ chức đảng từ trên xuống dưới nhất thiết phải tuân theo trong tổ chức, hoạt động của Đảng để bảo đảm cho Đảng thống nhất, vững mạnh về tổ chức, hoạt động.

Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đảng ta khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”.

Kinh nghiệm lịch sử của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, khi nào giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản thì đảng vững vàng, có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng thành công và ngày càng phát triển; ngược lại, khi đảng cộng sản nào mất cảnh giác, lơi lỏng, xa rời các nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản thì sẽ bị suy yếu, thậm chí tan vỡ.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam được phát triển qua từng giai đoạn cách mạng. Từ Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng thông qua năm 1935 chỉ quy định ngắn gọn: “Nguyên tắc tổ chức của Đảng là dân chủ tập trung”, cho đến nay, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam có năm nguyên tắc đó là: Tập trung dân chủ; Tự phê bình và phê bình; Đoàn kết thống nhất; Gắn bó mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Ngay trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã điều hành hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Đây là một trong những văn bản đầu tiên quy định những nguyên tắc tổ chức là hoạt động cơ bản của Đảng, đặt nền móng sự phát triển của Đảng về tổ chức và động.

Mặc dù chưa đề cập đến nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng nguyên tắc hoạt động của Đảng đã xác định rõ trong Điều lệ vắn tắt của Đảng: “Bất kỳ vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”.

Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương cũng xác định:

“Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như các chi bộ của Quốc tế cộng sản phải tổ chức theo lối dân chủ tập trung, nghĩa là:

a, Đảng bộ hạ cấp cho đến thượng cấp do các đảng bộ hội nghị và Đảng Đại hội cử ra.

b, Các đảng bộ mỗi cấp cử cấp ủy viên thì phải báo cáo lên thượng cấp.

c, Đảng bộ hạ cấp nhứt định phải thừa nhận nghị quyết của thượng cấp, phải giữ kỷ luật đảng, phải chấp hành các nghị quyết của Quốc tế cộng sản và các cơ quan chỉ huy của Đảng một cách thiết thực và mau mắn.

d, Cơ quan chỉ huy một địa phương tức là thượng cấp các bộ phận trong địa phương ấy.

đ, Các đảng viên đối với các vấn đề trong đảng chỉ có quyền thảo luận trong đảng bộ mình khi vấn đề ấy chưa có nghị quyết ra. Các nghị quyết của Quốc tế Đại hội, hoặc Đảng Đại hội, hoặc các cơ quan chỉ huy thì các đảng bộ phải nhứt định chấp hành, dầu có một bộ phận đảng viên hoặc mấy địa phương đảng bộ không đồng ý với nghị quyết ấy cũng cứ phải chấp hành”.

Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta khẳng định, đây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng: “Đảng tổ chức theo cách dân chủ tập trung. Dân chủ trong Đảng nghĩa là các cơ quan chỉ huy từ dưới lên trên đều do đảng viên cử ra, các đảng bộ ở các địa phương có quyền tự trị về việc địa phương, nghĩa là trong phạm vi nghị quyết chung của Đảng thì các đảng bộ phương có thể phát sinh hết sáng kiến và tự động của họ. Còn tập trung nghĩa là hết thảy cơ quan dưới phải phục tùng cơ quan trên mà cơ quan chỉ huy cao hơn hết là trung ương. Tuy nhiên Đảng Cộng sản không phải cứ sùng bài hai chữ dân chủ, khi nào cũng thực hành mà không kể gì đến thời buổi và điều kiện làm việc. Trái lại, gặp lúc khủng bố dữ dội, khó khăn cản trở nhiều mà công việc lại cấp bách thì không thể theo dân chủ được, không phải bầu cử gì hết mà chỉ phải trên chỉ định xuống mà thôi. Nếu hoàn cảnh thuân tiện thì tất nhiên phải là một quy tắc nhất định, nhưng phải tùy theo từng lúc mà mở rộng hay thâu hẹp”.

Đảng chỉ rõ: “Mỗi vấn đề trong Đảng thì đảng viên được tự do thảo luận, song đến lúc đa số đã nghị quyết thì thiểu số phải thừa nhận, phục tùng và thi hành. Điều đó là một điều kiện cốt yếu để cho Đảng lãnh đạo cách mạng thắng lợi. Đảng Cộng sản là một đội tiền phong lãnh đạo hành động cách mạng chớ không phải là một hội thảo luận nghiên cứu suông, cho nên Đảng không phải là một bầy phái bè, Đảng phải thành một đoàn thể có tư tưởng hành động thống nhất mới được”.

Ngay sau khi thành lập Đảng, để đảm đương được vai trò lãnh đạo cách mạng của mình, Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ về mặt tổ chức cần thực hiện ngay, đó là: Thành lập một trung tâm của Đảng thống nhất vững mạnh và khắc phục tất cả chủ nghĩa địa phương và cục bộ. Một Ban Chấp hành Trung ương có tính đại diện mạnh với những hoạt động có phối hợp cao của các tỉnh ủy.

Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tại Đại hội lần thứ nhất tháng 3-1935 vẫn xác định nguyên tắc tổ chức của Đảng là dân chủ tập trung. Trong điều kiện bí mật, Đảng nhấn mạnh kỷ luật sắt của Đảng.

Trong điều kiện lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, Đảng luôn bị các thế lực thù địch săn lùng và tiêu diệt, nên Đảng không có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng dân chủ trong Đảng. Đảng đã coi trọng lãnh đạo tập trung nhất. Đảng đã chỉ rõ những nhận thức không đúng về nguyên tắc tập trung dân chủ trong thời kỳ này. Đặc biệt, trong Đảng lúc này cũng có một bộ phận chưa hiểu đến những quy tắc tổ chức của Đảng Cộng sản. Đảng ta nhận định lúc bấy giờ ở trung kỳ, ở Bắc Kỳ vẫn không nhận rõ ý nghĩa tập trung của Đảng: Xứ ủy Bắc Kỳ không có Thường vụ lại chia mỗi người đi một địa phương, cứ giữ cái chế độ rời rạc chỉ huy, địa phương tự trị, cá nhân bao biện và độc đoán; ở Trung Kỳ cũng làm cái lối giải tán cơ quan chỉ huy tập trung mà đi phụ trách như vậy, đồng thời, nhấn mạnh: phải thực hiện trong Đảng cách làm việc theo lối “tập đoàn chỉ huy cá nhân phụ trách”. Phàm những vấn đề mới hay những việc quan trọng phải thảo luận trước trong ban chấp hành, rồi mới giao cho một đồng chí chịu trách nhiệm đem thi hành hoặc đôn đốc các tiểu ban chuyên môn thi hành. Có như thế mới tránh được nạn bao biện, nạn đánh trống bỏ dùi, cá nhân hành động hay mệnh lệnh chủ nghĩa.

Khi Đảng ra hoạt động công khai và bán công khai, tận dụng các điều kiện thuận lợi, Đảng đã coi trọng tăng cường dân chủ trong Đảng, trước hết là về bàn bạc, quyết định những chủ trương, chính sách của Đảng, hình thành các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tăng cường kỷ luật của Đảng nhằm vừa duy trì hoạt động công khai của Đảng và bảo vệ lực lượng hoạt động bí mật để bảo toàn, xây dựng lực lượng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền.

Nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách cũng được Đảng coi trọng thực hiện trong những điều kiện thuận lợi cho phép. Những chủ trương, quyết định lớn, có tầm chiến lược đều được các cán bộ chủ chốt bàn bạc, trao đổi, thảo luận và quyết định theo đa số. Đặc biệt là, Đảng đã thực hiện tốt việc phân công cá nhân phụ trách một cách cụ thể từng công việc, từng vùng, địa bàn để triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ, để giành thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền.

Tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng được Nguyễn Văn Cừ viết trong cuốn “Tự chỉ trích” khá đầy đủ, sâu sắc: “sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bônsơvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng đến thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng – dù cho đúng đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng”.

Việc tự phê bình và phê bình được Đảng chỉ đạo và duy trì đạt chất lượng cao. Các cuộc tự chỉ trích Bônsêvích được triển khai sâu rộng trong Đảng, đem lại kết quả to lớn. Đảng chỉ rõ: “phải luôn luôn tự phê bình, đem những khuyết điểm sai lầm của các đảng viên mà huấn luyện cho các đảng viên. Song phải chú ý không nên lợi dụng tự phê bình mà dèm pha, gây thù oán cá nhân và không được nhân tự phê bình với “phê bình tự do” gieo rối loạn trong hàng ngũ Đảng”.

Nắm vững và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin về chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng phát triển và thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng. Điều lệ Đảng do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) thông qua quy định Đảng Cộng sản Việt Nam có 5 nguyên tắc tổ chức, hoạt động: Một là, tập trung dân chủ; Hai là, tự phê bình và phê bình; Ba là, đoàn kết; Bốn là, găn bó mật thiết với nhân dân; Năm là, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Trong thời gian qua, việc quán triệt và thực hiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động ngày càng được coi trọng, nhiều nguyên tắc được cụ thể hóa thành các quy định trong từng mặt công tác xây dựng Đảng; nguyên tăc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình được tổ chức thực hiện ráo riết đang góp phần tích cực vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sàng lọc, thanh loại những phần tử thoái hóa, biến chất, tăng cường khối thống nhất trong Đảng./.

ThS. Lê Huy Tuấn, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà.

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2004, t.37.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999, t.3.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.6.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.8.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.9.
  8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.12.
  9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.21.
  10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.37.
  11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t.43.
  12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.47.
  13. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011
  14. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H.1991.

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/quan-diem-cua-dang-ve-nguyen-tac-to-chuc-hoat-dong-qua-cac-van-kien-dang-giai-doan-1930-1945-7889.html

In bài viết