09:15 | 15/10/2021

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động từ các cam kết về DVMT của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường dịch vụ CTRSH

Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của thế giới và khu vực, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế, năm 2006 Việt Nam là thành viên chính thức của WTO; Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA đa phương và song phương ở trong khu vực và quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo nhiều cơ hội và thách thức để phát triển thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý Chất thải rắn sinh hoạt.

Ở phạm vi quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO vào năm 2006; thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán, ký kết nhiều FTA với các vùng, khu vực khác trên thế giới điển hình như: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, từ 11/2017 đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu EU (EVFTA), Hiệp định khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan VCUFTA, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ở phạm vi khu vực, Việt Nam đã tham gia và là thành viên của 6 FTA ASEAN, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN Hàn Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc và New Zealand; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Ngoài việc ký kết và tham gia các FTA với tư cách là thành viên khối ASEAN thì FTA đầu tiên mà Việt Nam ký kết với tư cách là một bên độc lập là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (2008), FTA Việt Nam - Chi Lê (2011), và FTA Việt Nam - Hàn Quốc (2015).

Xuất hiện nhiều doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài cung ứng dịch vụ CTRSH

Công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung ứng Dịch vụ môi trường đối với Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các điểm thu gom rác thải do chính quyền địa phương cấp tỉnh và thành phố chỉ định [1]; loại hình doanh nghiệp này cung ứng dịch vụ tái chế, xử lý CTRSH, có vốn đầu tư lớn, công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng được các yêu cầu về tái chế, xử lý CTRSH. Một số nhà máy có 100% vốn đầu tư nước ngoài tham gia tái chế, xử lý CTRSH như sau:

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động từ các cam kết về DVMT của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường dịch vụ CTRSH

1) Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ): Công suất thiết kế của nhà máy là 400 tấn/ngày, đêm, công suất hiện tại đạt 350 tấn/ngày, đêm; tổng kinh phí đầu tư là 1.057 tỷ đồng; thời gian bắt đầu xây dựng từ tháng 6 năm 2017, tháng 11 năm 2018 dự án đi vào hoạt động; công nghệ này là công nghệ đốt rác trực tiếp, toàn bộ rác thải được đưa vào ủ để loại bỏ nước sau đó đưa vào đốt [2].

2) Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ trực thuộc Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam (VNP) - Quảng Bình, nhà máy là một tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất năng lượng tái tạo có tổng công suất 10 MW điện, sử dụng 100% thiết bị, công nghệ đồng bộ, khép kín, hiện đại và tiên tiến của CHLB Đức [2].

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động từ các cam kết về DVMT của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường dịch vụ CTRSH

3) Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội với dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý xây dựng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Nhà máy đốt rác phát điện trên có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ [3].

4) Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn của Công ty Hitachi Zosen với công suất đốt 1.000 tấn/ngày, công suất phát điện 15,5 MW ( triển khai tại khu xử lý CTR Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) [3].

5) Dự án khí hoá rác thải sinh hoạt thành điện năng của Công ty TNHH Indovin Power với công suất 500 tấn/ngày, phát điện 12 MW, đã tạm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai khảo sát, cam kết hoàn thành trong 18 tháng kể từ ngày bàn giao đất ( triển khai tại khu xử lý CTR Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) [3].

Còn nhiều hạn chế

Thị trường dịch vụ CTRSH tại Việt Nam đã có sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhất là tại TP. Hà Nội với 03 dự án, trong đó có dự án tái chế, xử lý CTRSH lớn nhất cả nước (dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý xây dựng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn). Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào ở trong nước thực hiện dự án tái chế, xử lý CTRSH với quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại; trên địa bàn TP. Hà Nội, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội là doanh nghiệp Nhà nước, hiện đang quản lý, vận hành 02 khu xử lý CTRSH là Nam Sơn và Xuân Sơn với hình thức chôn lấp hợp vệ sinh; Công ty Cổ phần DVMT Thăng Long xử lý CTRSH bằng lò đốt không thu nhiệt nhưng với quy mô nhỏ khoảng 700 tấn/ngày. Vấn đề đặt ra là phải có doanh nghiệp ở trong nước đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu tái chế, xử lý CTRSH với quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Tại TP. Hà Nội, các dự án tái chế, xử lý CTRSH giao cho doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được quy hoạch trên các khu xử lý CTRSH đã có (khu xử lý CTR Nam Sơn và Xuân Sơn); khi các dự án này đi vào hoạt động thì cơ bản giải quyết được nhu cầu xử lý CTRSH trên toàn TP. Hà Nội với khối lượng khoảng 5.500 tấn, từ đó, các doanh nghiệp trong nước khó có cơ hội thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTRSH với quy mô lớn tại TP. Hà Nội vì bên cạnh các khó khăn về vốn, doanh nghiệp trong nước còn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch xây dựng các khu xử lý CTRSH. Vấn đề đặt ra là phải có sự điều chỉnh trong các quy hoạch CTR để hình thành các khu xử lý CTRSH quy mô lớn làm hoạch định thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tránh dồn vào một số khu vực đã hình thành CSHT tốt mà bỏ qua các khu vực còn lại.

Đến nay, Việt Nam chưa có Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) quốc gia về môi trường đối với CTRSH, trên địa bàn TP. Hà Nội cũng chưa ban hành QCKT về môi trường đối với CTRSH. Hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH nói chung được Nhà nước thực hiện theo kế hoạch trên cơ sở quy định về điều kiện hoạt động; đối với các dự án tái chế, xử lý CTRSH quy mô lớn thì chưa có quy định chi tiết vì phụ thuộc vào công nghệ xử lý, vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát mang tính đặc thù đối với các dự án tái chế, xử lý CTRSH quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo dự án được vận hành hiệu quả, liên tục.

Đề xuất một số giải pháp

Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) trong quy hoạch quản lý Chất thải rắn (CTR) tại các địa phương, theo đó: 1) Rà soát, điều chỉnh kịp thời nội dung phát triển CSHT trong quy hoạch quản lý CTR tại các địa phương, cần đưa ra khỏi quy hoạch các dự án xử lý CTRSH không thực hiện được và bổ sung kịp thời vị trí các dự án xử lý CTRSH khả thi; và 2) Bổ sung vào trong quy hoạch quản lý CTR cấp vùng các khu xử lý CTRSH quy mô lớn làm hoạch định thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư vào các khu xử lý CTRSH đã có từ trước.

Thứ hai, đẩy mạnh xã hội hoá nhằm thu hút đầu tư và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH, theo đó tiến hành đồng bộ các giải pháp như sau:

1) Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH, cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH đối với vùng có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển.

2) Xây dựng và thực hiện quy trình bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH.

3) Hướng dẫn các địa phương để tăng thời gian gói thầu cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH cần có tối thiểu là 5 năm cao nhất là 7 năm để đảm bảo đủ thời gian khấu hao thiết bị, máy móc; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH yên tâm làm việc và đầu tư, đổi mới các thiết bị cơ giới hiện đại.

4) Xây dựng và ban hành quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án tái chế, xử lý CTRSH theo hướng: 1) rút gọn thủ tục đầu tư; 2) tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm đất và có thu hồi tài nguyên, năng lượng; và 3) trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý CTRSH sau khi xây dựng xong, đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án xử lý CTRSH.

5) Xây dựng, ban hành quy định về định hướng công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

6) Có chính sách ưu đãi cụ thể về nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH: một là ban hành cụ thể mức hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng; hai là giảm thiểu thủ tục trong quá trình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH triển khai vay vốn (bao gồm cả vay từ nguồn vốn ưu đãi); và ba là điều chỉnh mức vốn đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư, phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH phù hợp với thực tế đầu tư trong nước.

Thứ ba, tạo sự đồng thuận từ cộng đồng dân cư để phát triển CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH, theo đó tiến hành đồng bộ các giải pháp như sau:

1) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân sống gần các cơ sở xử lý CTRSH để khuyến khích người dân ủng hộ việc thực hiện dự án xử lý CTRSH và đồng thuận giao đất.

2) Đổi mới phương pháp tuyên truyền, cách thức vận động và lấy ý kiến cộng đồng để tạo sự đồng thuận của người dân đối với một số vị trí quy hoạch các khu xử lý CTRSH.

Thứ tư, phát triển doanh nghiệp trong nước cung ứng dịch vụ Chất thải rắn sinh hoạt

1) Các địa phương hoàn thiện và phát triển mạng lưới doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở: 1) đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ CTRSH trên địa bàn; khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; định hướng phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH đáp ứng nhu cầu xử lý môi trường nhằm đạt được các mục tiêu xử lý môi trường trên địa bàn; và 2) lồng ghép các nội dung chi tiết của kế hoạch phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2) Phát triển, mở rộng quy mô doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH, theo đó, NCS đề xuất một số giải pháp như sau:

- Đảm bảo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH cần thực hiện một số nội dung: đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động, công cụ, dụng cụ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH theo quy định; đảm bảo 100% người lao động tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, trả lương theo đúng thoả thuận; và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ yêu cầu quản lý, vận hành, duy tu và bảo dưỡng các cơ sở tái chế, xử lý CTRSH.

- Khuyến khích đổi mới công nghệ, thiết bị phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH, cụ thể như sau:

+ Nhà nước ban hành quy trình kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển CTRSH đã được phân loại; phương thức thu gom, vận chuyển của từng nhóm CTRSH đã được phân loại; phương thức xử lý đối với từng nhóm CTRSH đã được phân loại.;

+ Nhà nước giao các địa phương xây dựng phương án cơ giới hóa phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH với các nội dung chính đề xuất như: 1) Phương án thu gom, vận chuyển CTRSH bằng phương tiện cơ giới; 2) quỹ đất để xây dựng điểm lưu giữ phương tiện, thiết bị thu gom CTRSH và điểm tập kết, trung chuyển CTRSH; 3) có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH bằng phương thức cơ giới hóa không nên cào bằng với các phương thức thủ công, lạc hậu để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư các thiết bị hiện đại hơn phục vụ thu gom, vận chuyển CTRSH; và 4) đề xuất miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện cơ giới thu gom, vận chuyển CTRSH.

- Để hình thành những doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTRSH quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về BVMT, NCS đề xuất giải pháp như sau: 1) Nhà nước xây dựng và ban hành lộ trình, kế hoạch triển khai cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH; và 2) Hình thành các liên danh, liên kết để tạo nguồn lực đủ mạnh về tài chính thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTRSH với quy mô lớn áp dụng công nghệ hiện đại.

Thứ năm, ban hành quy trình giám sát về công nghệ tái chế, xử lý CTRSH (đặc biệt đối với các dự án tái chế, xử lý CTRSH với quy mô lớn, công nghệ hiện đại) đảm bảo hiệu quả vận hành như cam kết, hạn chế việc bị gián đoạn do quy trình vận hành xuất phát từ công nghệ:

1) Ban hành quy định kiểm soát, hướng dẫn xử lý tro đáy, tro bay phát sinh trong quá trình tái chế, xử lý CTRSH bằng các phương pháp đốt.

2) Cần chuẩn bị các bãi chôn lấp có đủ sức chứa khi các nhà máy đốt rác thải sinh hoạt gặp sự cố, đặc biệt là các nhà máy có công suất xử lý lớn.

NDT

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công Thương (2009), Sách “Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO: Bình luận của người trong cuộc”, Nxb Thống kê, Hà Nội.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020): Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý CTR sinh hoạt tại Việt Nam, đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Hà Nội.

3. UBND TP. Hà Nội (2019), Báo cáo công tác quản lý CTR trên địa bàn Hà Nội, Hà Nội.

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/mot-so-giai-phap-nham-giam-thieu-tac-dong-tu-cac-cam-ket-ve-dvmt-cua-viet-nam-trong-qua-trinh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-den-thi-truong-dich-vu-ctrsh-7900.html

In bài viết