21:14 | 15/12/2021

Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), khi đánh giá về cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng, đã nhận định: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại”.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó là sự phản ánh quy luật ra đời khách quan và cội nguồn sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời thể hiện vai trò “kiến lập” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

- Tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc - con đường Cách mạng vô sản: Cách mạng Tháng mười Nga thành công năm 1917, Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp, tại đây người tiếp tục hoạt động hăng say tích cực trong các phong trào chính trị quần chúng và các phong trào của kiều bào ta ở Pháp. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo L'Humanite (Nhân đạo), số ra ngày 16 và 17-7-1920. Khi nghiên cứu về Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa mà Sơ thảo luận cương của Lênin đã vạch ra đó là: Con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người. Đây cũng là nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam.Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin", Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên, như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Con đường Cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc lựa chọn để giải phóng dân tộc là con đường duy nhất đúng: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người phù hợp với điều kiện của Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến. Con đường đó phù hợp với nội dung và xu thế của thời đại mới được mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại: “Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta”. Đồng thời, sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn phát triển mới: Giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.

Truyền bá chủ nghĩa Mac – LêNin về nước, chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính chị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt nam: Từ thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đặc biệt là phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy bên cạnh sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, giai cấp tư sản, thì giai cấp công nhân Việt Nam còn chịu sự kìm kẹp hà khắc của chế độ phong kiến. Bên cạnh đó, đến cuối thập niên 1920, giai cấp công nhân Việt Nam còn rất hạn chế về lực lượng so với giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển (lúc này giai cấp công nhân Việt Nam chỉ chiếm trên 1% dân số). Từ đó, Người xác định, chủ nghĩa Mác-Lênin không thể truyền bá trực tiếp vào phong trào công nhân như “công thức” thành lập đảng cộng sản ở các nước tư bản phát triển (chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân dẫn đến sự ra đời chính đảng cộng sản), mà cần có sự linh hoạt về phương pháp, cách thức để dẫn tới sự thành lập chính đảng của giai cấp công nhân, Người đã thực hiện “lộ trình”: “...đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”, thông qua chủ trương sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (06/1925) - một tổ chức tập hợp những thanh niên yêu nước, có khát vọng đi tìm con đường cách mạng để cứu nước, giải phóng dân tộc. Thông qua Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là cầu nối đưa lý luận cách mạng vô sản đến với cách mạng Việt Nam có hiệu quả.

Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên chưa phải là chính đảng cộng sản, nhưng chương trình hành động đã thể hiện quan điểm lập trường của giai cấp công nhân là tổ chức tiền thân dẫn tới ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Hội là tổ chức trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước và cũng là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam. Những hoạt động của Hội có ảnh hưởng và thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển biến của phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam những năm 1928, 1929 theo khuynh hướng cách mạng vô sản.

- Triệu tập, chủ trì hội nghị thành lập Đảng: Trên cơ sở sự phát triển lớn mạnh về lực lượng, tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đặc biệt là những hiệu quả tích cực từ phong trào Vô sản hóa của Hội phát động, tổ chức dẫn đến sự ra đời và phát triển của 3 tổ chức cộng sản ở nước ta. Điều này thể hiện sự trưởng thành nhanh tróng trong lãnh đạo đấu tranh của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, sự hoạt động độc lập của 3 tổ chức cộng sản phần nào dẫn tời tình trạng phân tán, chia rẽ lực lượng cách mạng Việt Nam: “hai nhóm cộng sản sử dụng nhiều - nếu không nói là tất cả - nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái”. Trước tình hình đó, với tinh thần chủ động, sáng tạo và uy tín chính trị của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã “có sáng kiến đúng” kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam, đó là triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Trên tinh thần làm việc khẩn trương, bằng phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, cùng với uy tín chính trị của mình Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì thành công hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải pháp hợp nhất các tổ chức cộng sản mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa ra tại Hội nghị là phương pháp tối ưu trong tình hình lúc bấy giờ vì các tổ chức này đều có chung mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, và đều khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản. Trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, được công bố năm 1933, tác giả Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đã khẳng định cống hiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với sự kiện thành lập Đảng: “Công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiên phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”.

- Soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được tiến hành từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Thành công lớn nhất của hội nghị là hợp nhất thành công các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nghị đã thông qua các văn kiện quan trọng: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được xem là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Nội dung của Cương lĩnh cù còn mang tính chất Sơ lược, nhưng đã phản ánh đầy đủ, súc tích các luận điểm cơ bản của cách mạng Việt Nam: Cương lĩnh Thể hiện bản lĩnh chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc đánh giá đặc điểm, tính chất xã hội thuộc địa nửa phong kiến của Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX; chỉ rõ những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của dân tộc Việt Nam lúc đó, đặc biệt là việc đánh giá đúng đắn, sát thực thái độ các giai tầng xã hội đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Từ đó, các văn kiện đã xác định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, đồng thời xác định phương pháp, nhiệm vụ, lực lượng cách mạng và mối quan hệ quốc tế của cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng và bế tắc về đường lối cứu nước, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: thời kỳ có đường lối cách mạng đúng đắn và tổ chức cách mạng tiên phong lãnh đạo; độc lập dân tộc gắn liền với Chủ ngĩa xã hội là mục tiêu chiến lược và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đặc biệt không thể thiếu vai trò quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, không ngừng truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin và trực tiếp đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam./.

ThS. Trần Văn Mạnh, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nguyen-ai-quoc-nguoi-sang-lap-dang-cong-san-viet-nam-7904.html

In bài viết