09:35 | 07/12/2021

Nâng cao nhận thức của toàn dân về Phòng, chống tác hại thuốc lá

Nâng cao nhận thức cần được tính đến trong một tổng thể, hướng tới các đối tượng, từ những người dân không sử dụng thuốc lá, những người trực tiếp sử dụng thuốc lá cho đến những người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá. Mỗi nhóm đối tượng, cần có tần suất và mức độ tác động khác nhau. Mỗi chúng ta có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.
Nâng cao nhận thức của toàn dân về Phòng, chống tác hại thuốc lá

Ảnh minh họa

Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người không hút thuốc nhưng hít phải khói (gọi là hút thuốc lá thụ động). Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc thụ động là đặt con người vào mức không “an toàn”, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngoài bệnh tật và tử vong, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, kinh tế của gia đình, xã hội. Mặc dù việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng hiện nay, nhiều người vẫn còn xem nhẹ, coi thường hiểm họa từ thuốc lá.

Việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc lá để có thể bảo vệ được quyền lợi của những người xung quanh, là điều mà chúng ta ai cũng cần phải làm. Cần tăng cường công tác giáo dục trong gia đình, nâng cao ý thức của chính các thành viên trong gia đình đối với việc PCTH của thuốc lá. Các trẻ em vị thành niên cần phải được định hướng, cần phải có các tấm gương từ chính các thành viên khác trong gia đình về ý thức phòng tránh tác hại của thuốc lá cho chính bản thân mình, cho người thân và cho cả cộng đồng xã hội. Có thể thấy rằng, nhận thức của mỗi người đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Một môi trường làm việc không khói thuốc chính là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc, được hít thở bầu không khí trong lành.

Để nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc PCTH của thuốc lá, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.

Trong Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, các địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, các nhà hàng, bến tàu, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng; quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá.

Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, cần có sự chung tay của toàn dân. Cùng với đó, cũng cần phải phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong từng lĩnh vực của công tác PCTH của thuốc lá, để người dân có thể nhận biết, giám sát hoặc kiến nghị khi cần thiết./.

Giang Nam

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nang-cao-nhan-thuc-cua-toan-dan-ve-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-8029.html

In bài viết