18:12 | 08/07/2019

Cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao công

Liên tục xảy ra các vụ tai nạn thương tâm với những người lao công quét rác. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm sâu sát hơn các biện pháp đảm bảo an toàn đối với nghề nhiều rủi ro này…

Cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao công

Những người lao công làm việc ca đêm vừa vất vả vừa đối mặt nhiều rủi ro. Ảnh: Thành Phú

Sáng ngày 6/7, chiếc ô tô do Nguyễn Duy Tình (35 tuổi, trú tại Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) lái theo hướng Lưu Khánh Đàm đi Vũ Xuân Thiều, khi đến khu vực ngõ 83 đường Phúc Lợi thì va chạm với bà Nguyễn Thanh B. (52 tuổi, công nhân môi trường, trú tại Đặng Xá, huyện Gia Lâm) đang quét rác ven đường. Vụ tai nạn làm bà B. tử vong, còn lái xe Tình rời bỏ hiện trường chạy đến cơ quan công an.

Trước đó ngày 22/4, tại đường Láng Hạ (Hà Nội), chiếc xe Hyundai 7 chỗ 29A 784.09 sau khi gây tai nạn liên hoàn thì bỏ chạy ra đường Láng (trước cửa Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong). Tại đây, chiếc "xe điên" tiếp tục đâm vào một nữ lao công khiến nạn nhân tử vong. Nữ lao công được xác định là bà L.T.T.H (SN 1977, ở Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội) và đang là công nhân của Cty TNHH MTV Môi trường Ðô thị Hà Nội, bà ra đi để lại hai con thơ bơ vơ trong nghèo khó, một cám cảnh khiến không ít người phải xót ra, rơi nước mắt…

Nếu có việc đi ra đường vào những buổi tối muộn, chúng ta sẽ dễ dàng được chứng kiến nhiều lao công quét rác cần cù trong đêm tối. Với những đoạn đường có đèn chiếu sáng đảm bảo còn dễ nhận diện, những đoạn đường thiếu ánh sáng, chúng ta chỉ nhận ra người lao công qua những sọc ngang màu vàng cảnh báo của áo bảo hộ của họ.

Do đặc thù công việc, những người lao công quét rác thường bắt đầu hoạt động từ 21 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau. Thông thường, những người làm ca đêm vất vả hơn, đặc biệt họ luôn phải đối mặt với nỗi ám ảnh tai nạn giao thông.

Và đêm nào cũng vậy, từ lúc bắt đầu đến khi làm xong việc, hẳn không ít lao công luôn phải lao động mệt nhọc trong trạng thái lo lắng, bất an bởi các xe điên, xe “hung thần” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong đêm đe dọa tính mạng của họ.

Theo quy định về an toàn lao động, trước khi bắt đầu công việc quét rác trên đường, các công nhân phải chuẩn bị đầy đủ đèn hiệu, mũ bảo hộ, áo dạ quang, găng tay, khẩu trang. Tuỳ theo sự phân công, có khi một tuyến đường do 2 người, cũng có tuyến đường có tới 3 người quét đường và cũng có những tuyến phố ngắn chỉ do 1 người đảm trách.

Dù đã được trang bị đầy đủ vật dụng bảo hộ lao động, nhưng trong quá trình làm việc, các công nhân vẫn phải tập trung quan sát, hễ nghe tiếng động cơ xe gầm rú bất thường, phải dừng quét và né tránh ngay lập tức như nhảy lên con lươn hay vỉa hè, thậm chí là nấp đằng sau xe rác…

Một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông là do hành vi uống rượu bia, xử dụng chất kích thích gây ra. Luật pháp đã hình sự hóa hành vi trên và có những hình phạt khá nghiêm khắc, răn đe. Nhưng có một thực tế đáng buồn là hiện nay vẫn liên tiếp xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến bia rượu, chất kích thích.

Chia sẻ với chúng tôi trong những ngày gần đây, một số công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đang phụ trách vệ sinh môi trường một số tuyến đường như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã…chia sẻ, làm ca đêm cứ vào khoảng 1, 2 giờ sáng, những người lưu thông qua các tuyến đường lớn nội thành thường chủ quan đường vắng phóng rất nhanh, vượt ẩu. Nhiều thanh niên say xỉn, hoặc ở tình trạng thiếu tỉnh táo chạy xe rất liều mạng, dù công nhân có mặc áo phản quang nhưng họ chẳng thèm quan sát, cứ “nhắm mắt nhắm mũi” phóng xe ào ào. Mỗi lần nghe tiếng xe bất thường gầm rú từ xa, nhiều lao công phải lập tức “ba chân bốn cẳng” nhảy lên vỉa hè để bảo toàn tính mạng.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, cũng may mắn…như những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra với lao công chúng tôi đề cập ở phần trên là một ví dụ.
Các tai nạn lao động xảy ra đối với những người lao công vệ sinh môi trường, nhất là các trường hợp của công nhân bị xe ô tô va quẹt, đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cũng như tâm lý, hiệu quả công việc của họ. Có những vụ nghiêm trọng gây ra biết bao mất mát, đau thương khiến không chỉ người thân mà cộng đồng xã hội cũng phải xót xa.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu rủi ro cho những người lao công trong lúc làm việc, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát các phương tiện hoạt động lúc đêm khuya; siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh bia rượu về đêm; phổ biến giáo dục nâng cao kỹ năng cho người điều khiển phương tiện về việc nhận biết, phòng ngừa gây ra tai nạn cho lao công trên đường. Bên cạnh đó, có thể phân luồng bằng đèn cảnh báo đầu đường cùng rào chắn điều hướng cho phương tiện di chuyển sang các đường khác tránh những con đường đang diễn ra hoạt động vệ sinh môi trường; có chế tài xử lý mạnh tay với hành vi sử dụng bia rượu chất kích thích gây tai nạn trên đường...

Với đơn vị chuyên trách và các công ty môi trường đô thị, ngoài việc tăng cường trang bị bảo hộ lao động, mỗi năm cần tổ chức định kì lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra cho công nhân nhất là những buổi làm ca tối. Sau các chương trình tập huấn, tất cả công nhân phải trải qua kỳ thi sát hạch lại những kiến thức đã được hướng dẫn, khi nhận được giấy chứng nhận an toàn lao động, mới phân công công việc cho công nhân.

Đồng thời, mỗi tháng, các công ty cần tổ chức họp, sinh hoạt, nhắc nhở công nhân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi hoạt động vào ban đêm, để kịp thời có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Đông Hải

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/can-co-bien-phap-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-lao-cong-806.html

In bài viết