02:28 | 19/09/2018

Khoảng 40 nghìn người sẽ được cung cấp thông tin về nước sạch và sức khoẻ

Vừa qua, tại Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), UBND tỉnh Thanh Hóa và Viện Dân số, Sức khỏe và phát triển (PHAD) đã chính thức khởi động việc triển khai Dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường” trong địa bàn của tỉnh.

Khoảng 40 nghìn người sẽ được cung cấp thông tin về nước sạch và sức khoẻ

Ảnh chụp tại Hội nghị


Được tài trợ bởi USAID và thực hiện bởi PHAD, Dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường” là sáng kiến xây dựng mô hình hợp tác dựa trên những bằng chứng với sự tham gia của các tổ chức địa phương và sự huy động nguồn lực nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe môi trường một cách thiết thực và bền vững, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nước và sức khỏe cộng đồng.
Với nguồn kinh phí dự trù khoảng gần 10 tỷ đồng (chưa tính các chi phí hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động tại tỉnh, mức này có thể thay đổi…), được thực hiện trong 5 năm (2018 - 2022), Dự án triển khai tại tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung xử lý các vấn đề sức khỏe cộng đồng tại 2 xã Tế Thắng (huyện Nông Cống) và xã Hà Lâm (huyện Hà Trung). Đây là 2 xã khó khăn, còn tồn tại rất nhiều vấn đề về nước, ô nhiễm môi trường như tình trạng sử dụng nước giếng khoan chưa hợp vệ sinh khá phổ biến, nhiều hộ chưa có nhà tiêu đảm bảo QCVN 01:2011-BYT, 100% nước thải sinh hoạt của các hộ dân không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, học sinh tiểu học thiếu nước sạch phải sử dụng nước giếng khoan chưa được xử lý… tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tại xã Tế Thắng ở mức khá cao, 17,82%; số trẻ bị tiêu chảy của xã Hà Lâm cao gấp 3 lần so với mặt bằng trung của huyện…
Để hướng đến việc cung cấp các giải pháp bền vững và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết các vấn đề về nước ăn uống, sinh hoạt và cải thiện vệ sinh môi trường cho người dân 2 xã trên, Dự án sẽ tập trung vào các mục tiêu chính như: Xây dựng năng lực cho các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị trong và ngoài nhà nước tham gia dự án; Hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khỏe môi trường tại địa phương một cách bền vững, có sự tham gia của người dân và chính quyền; Xây dựng hệ thống đối tác, cơ chế hợp tác và mục tiêu chung cho các tổ chức, đơn vị tại địa phương…
Cùng với Thanh Hóa, dự kiến thời gian tới, Dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường” sẽ tiếp tục được triển khai tại 2 xã Ngọc Sơn và Kim Bảng của tỉnh Hà Nam.
Nói về tính hiệu quả của việc triển khai Dự án tại Thanh Hóa và Hà Nam, Ths. BS. Vũ Công Nguyên - Phó viện trưởng, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, cho biết: Dự án được triển khai sẽ giúp khoảng 40 ngàn người dân tại các xã can thiệp được nhận các thông tin về nước và vấn đề sức khỏe liên quan đến nước và được hướng dẫn cách cải thiện chất lượng nước, cùng với khoảng 8000 người dân được nhận các hỗ trợ khác nhau từ các giải pháp can thiệp; 100% các nhóm, hội, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp địa phương sẽ tham gia mạng lưới sức khỏe và nước… Qua việc được tiếp cận thông tin sẽ dần giúp người dân nâng cao kiến thức thay đổi hành vi thực hành, sẽ có khoảng 50% người dân các xã của Dự án sẽ cải thiện kiến thức chất lượng nước; tăng 30% số hộ thực hiện hành vi lọc nước an toàn và có dụng cụ, thiết bị lọc nước an toàn; tăng số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh… Khi người dân có nước sạch sử dụng và môi trường vệ sinh được cải thiện thì bệnh tật tất yếu bị đẩy lùi,…

Minh Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/khoang-40-nghin-nguoi-se-duoc-cung-cap-thong-tin-ve-nuoc-sach-va-suc-khoe-826.html

In bài viết