13:34 | 17/05/2022

Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với công tác bảo vệ môi trường

Xác định rõ việc muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững phải luôn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, trong những năm qua các sở, ngành chuyên trách lĩnh vực môi trường Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng cùng các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.

Theo đó, các Sở, ngành liên quan cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã đôn đốc thực hiện một số nội dung liên quan công tác bảo vệ môi trường như: Thực hiện các tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm trong xây dựng môi trường xanh sạch đẹp; Tổ chức lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương và người dân trong việc xây dựng công trình xử lý môi trường nông thôn với các hoạt động xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung; Xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; Xây dựng lò đốt rác tập trung, lò đốt rác hộ gia đình; cung cấp công cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với công tác bảo vệ môi trường
Thanh niên Vĩnh Phúc là lực lượng xung kích trong các phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đã được quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và Nhân dân nên đạt được kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 96%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn ước đạt 75%; tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

Cùng với đó, việc triển khai, áp dụng các mô hình thu gom, xử lý rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Điển hình như mô hình thu gom, xử lý rác tại hộ gia đình nhằm tăng hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn, giảm đáng kể lượng rác thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý; mô hình lò đốt rác đã góp phần xử lý rác, giải quyết được một phần bức bách về ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (tổng số 198 thủy vực triển khai trong giai đoạn 2021-2025) để từng bước khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề. Đã kiểm tra, xử lý và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất sắt thép tại Cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh, huyện Tam Dương và xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc gần Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh; kiểm tra giải quyết tình trạng ô nhiễm do đốt rác thải tại khu vực xã Đồng Văn và Tề Lỗ, huyện Yên Lạc. Đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, nhất là các nguồn thải lớn, trong đó tập trung bảo vệ môi trường và giảm thiểu phát thải đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát thải cao; duy trì, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát môi trường trên địa bàn tỉnh, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.

Đến nay, 100% các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải quan trắc, giám sát môi trường tự động đã hoàn thành lắp đặt trạm quan trắc tự động và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT để theo dõi, giám sát trực tuyến 24/24h theo quy định.

Song song với đó, triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải trên địa bàn tỉnh. Hiện UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho nhà máy xử lý rác tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch công suất 270 tấn/ngày và nhà máy xử lý rác tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, công suất 50 tấn/ngày.

Đồng thời, chỉ đạo cải tạo, nâng công suất nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 150 tấn/ngày; triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Phúc Yên và nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Vĩnh Yên tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên,... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Mặt khác, các ngành, địa phương tăng cường đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường (chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt khu dân cư); tích cực chuyển giao các ứng dụng cho địa phương; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ môi trường để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến huyện, xã; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức người dân trong thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường tại khu dân cư và trong đời sống hàng ngày.

Vĩnh Phúc đang trên hành trình hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị xanh, văn minh, hiện đại, đáng sống trong tương lai. Do vậy, cùng với việc quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố triển khai các giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để Vĩnh Phúc phát triển đồng bộ, bền vững, nâng cao chất lược cuộc sống cho cư dân.

Nhìn nhận thực tế quá trình phát triển kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc trong những năm qua có thể khẳng định, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng và có những chuyển biến tích cực và theo đúng phương châm: phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương luôn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường sinh thái./.

Trần Chiến

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/vinh-phuc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-di-doi-voi-cong-tac-bao-ve-moi-truong-8303.html

In bài viết