21:30 | 18/07/2022

TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị nhiều giải pháp quản lý chất thải rắn

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, UBND TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp trong công tác này.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, thẩm định, thông qua Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn 2050. Ngoài ra, đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường, có công nghệ ép rác kín, hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, sử dụng diện tích và dải cây xanh cách ly phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố.

TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị nhiều giải pháp quản lý chất thải rắn
Công nhân vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh thu gom và phân loại rác thải tại khu dân cư trên địa bàn

Cùng đó, kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường quan tâm, hỗ trợ thành phố đưa ra các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu và hỗ trợ trang bị bảo hộ lao động cá nhân vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng chung cho toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Bộ Công Thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt phát điện trong năm 2022.

Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ về mặt pháp lý để thành phố có thể đặt hàng đối với khối lượng tăng thêm của các đơn vị đang có hợp đồng xử lý rác trên địa bàn khi các đơn vị này chuyển đổi công nghệ với công suất cao hơn công suất đã ký theo hợp đồng. Đồng thời, đối với khối lượng phát sinh thêm thì UBND TP. Hồ Chí Minh được tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (Nhà nước cho thuê đất nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn) mà không phải thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tp-ho-chi-minh-kien-nghi-nhieu-giai-phap-quan-ly-chat-thai-ran-8482.html

In bài viết