09:01 | 15/08/2022

Bắc Ninh: Giải pháp nào cho vấn đề môi trường ở làng nghề Mẫn Xá?

Mẫn Xá là làng nghề tái chế nhôm lâu đời tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tuy nhiên, hệ quả môi trường tại làng nghề này cũng đang đặt ra nhiều thách thức.

Thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn có khoảng 450 cơ sở cô đúc, tái chế nhôm và 100 cơ sở kinh doanh phế liệu. Theo kết quả rà soát và tổng hợp từ mạng quan trắc môi trường tỉnh Bắc Ninh những năm qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Văn Môn chủ yếu phát sinh từ làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm tại Mẫn Xá hiện nay là ô nhiễm không khí. Nguyên nhân chính do nguồn nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất là phế liệu, công nghệ tái chế thô sơ, đơn giản, không có các biện pháp giảm thiểu, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong làng và khu vực lân cận. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí nơi đây cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,8 lần.

Bắc Ninh: Giải pháp nào cho vấn đề môi trường ở làng nghề Mẫn Xá?
Hệ quả môi trường tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang đặt ra nhiều thách thức.

Còn về môi trường nước, nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất, sinh hoạt… không được thu gom, xử lý và xả trực tiếp ra các ao hồ, kênh mương thông qua các hệ thống cống rãnh thoát nước xung quanh làng nghề, trong khi hệ thống thoát nước của địa phương không có hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng thoát nước, dẫn đến nước thải bị ứ đọng lâu ngày, phát sinh mùi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại ao tiếp nhận nước thải của làng nghề Mẫn Xá qua các năm cho thấy, các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và các kim loại nặng cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần.

Về chất thải rắn, trung bình mỗi ngày, lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề Mẫn Xá khoảng hơn 80 tấn chủ yếu gồm xỉ than và xỉ nhôm, trong đó hơn 60 tấn từ công đoạn cô nhôm, 12 tấn từ công đoạn nấu, đúc nhôm, 7 tấn từ công đoạn nấu kẽm và 01 tấn từ công đoạn đúc xoong, nồi. Toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh hiện không được các cơ sở sản xuất thu gom, mà đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh, đặc biệt là tại các khu vực đất trũng (ao, hồ, rãnh thoát nước) và ven các đường giao thông.

Qua khảo sát thực tế, hiện có 07 bãi đổ thải lớn nằm rải rác trong khu vực thôn Mẫn Xá với tổng diện tích khoảng 76.000 m2; làng nghề đang tồn đọng khoảng 300.000 tấn xỉ nhôm được đổ thải bừa bãi xung quanh. Do các bãi đổ thải tập trung thường xuyên quá tải nên diễn ra tình trạng người dân tự đem chất thải ra đổ tại các cánh đồng, các trục đường giao thông liên thôn, liên xã gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trước thực trạng môi trường đáng báo động và để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá - xã Văn Môn, chúng tôi đã nghiên cứu thực trạng và đề xuất với UBND tỉnh Bắc Ninh một số nhóm giải pháp hữu hiệu.

Cụ thể, với “Giải pháp quản lý và xử lý chất thải rắn làng nghề tồn đọng và phát sinh mới” chúng tôi đề xuất cấp trên giao UBND huyện Yên Phong đẩy nhanh tiến độ lập Dự án đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh; khẩn trương đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn.

Ở cấp xã, phương án Văn Môn sẽ thành lập đội tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề; xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề trình UBND huyện phê duyệt; yêu cầu các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề thực hiện công tác phân loại, loại bỏ tạp chất lẫn trong phế liệu trước khi đem tái chế và ký cam kết về việc không đổ chất thải sản xuất bừa bãi, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời và ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực thu gom, xử lý chất thải phát sinh hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ.

Lập phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải một cách phù hợp theo quy định quản lý chất thải; thành lập hợp tác xã dịch vụ môi trường để thu gom, vận chuyển chất thải làng nghề mới phát sinh và ký hợp đồng xử lý với đơn vị có chức năng.Mở thêm các điểm đổ thải tập trung để người dân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất tạm thời đổ xỉ thải vào; tổ chức họp dân và thống nhất với người dân về việc tạm thu một mức phí/kg chất thải để có thể chi trả kinh phí thu gom, xử lý lượng chất thải phát sinh.

Đồng thời xây dựng quy chế quản lý chất thải rắn làng nghề phát sinh mới của xã Văn Môn; yêu cầu lực lượng Công an xã thực hiện giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế của làng nghề và pháp luật về bảo vệ môi trường. Lập dự án, tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát các tuyến đường chính ra vào các khu vực làng nghề và khu vực bãi thải hiện tại trong làng nghề, giao cán bộ có trách nhiệm trực online 24/24h, kết nối đường truyền về Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an huyện Yên Phong và Công an xã Văn Môn.

Còn với “Giải pháp về quản lý nguồn nguyên liệu, phế liệu đầu vào”, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp trên giao lực lượng Công an tỉnh chủ trì phối hợp với UBND huyện Yên Phong khẩn trương có biện pháp ngăn chặn việc đưa phế liệu nhôm là chất thải công nghiệp chưa qua xử lý, dầu thải về cô đúc tại khu vực làng nghề, đặc biệt ngăn chặn việc đưa tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy sản xuất nhôm từ nhiều nơi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh về khu vực làng nghề để tận thu và đổ thải, có phương án bố trí khu vực lưu giữ tang vật vi phạm an toàn đối với môi trường; thành lập tổ liên ngành lập chốt 24/24h kiểm tra các phương tiện vận chuyển phế liệu ra, vào làng nghề Mẫn Xá và xử lý nghiêm các cơ sở vận chuyển phế liệu vào địa phương mà không có hợp đồng với đơn vị có dây chuyền tái chế được cấp phép theo luật định.

Ở “Giải pháp về xử lý khí thải”, Sở đề xuất cấp trên giao UBND huyện Yên Phong yêu cầu các cơ sở tái chế kim loại trong làng nghề Mẫn Xá phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo quy định mới được phép hoạt động. Kinh phí lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống xử lý khí thải do chủ các cơ sở chịu trách nhiệm chi trả; chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện Yên Phong đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất theo kế hoạch hoặc đột xuất; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hộ gia đình, cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo qui định của pháp luật; tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân tại làng nghề Mẫn Xá chuyển hoạt động sản xuất vào cụm công nghiệp, tiến tới kế hoạch di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung.

“Cùng với đó, chúng tôi cũng đề xuất việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động nhân dân, cơ sở sản xuất tích cực tham gia trong việc thực hiện đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo khí thải thoát ra ngoài môi trường đạt quy chuẩn môi trường theo quy định; phân loại chất thải làng nghề và chuyển giao chất thải theo đúng quy định hoặc cho đơn vị có năng lực; không đổ, đốt chất thải bừa bãi, không đúng nơi quy định…” – Phó Giám đốc Nguyễn Đình Phương nói./.

Trần Chiến

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/bac-ninh-giai-phap-nao-cho-van-de-moi-truong-o-lang-nghe-man-xa-8562.html

In bài viết