15:36 | 19/08/2022

Bắc Ninh: Phát triển kinh tế hài hòa thiên nhiên nhằm tạo đà tăng trưởng xanh bền vững

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đó là định hướng mang tầm nhìn chiến lược được cụ thể hóa bằng việc phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên nhằm tạo đà tăng trưởng xanh bền vững.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của mục tiêu trên, Bắc Ninh đã, đang thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân đối với công tác bảo vệ môi trường và xem đây như một tiền đề quan trọng, mang tính quyết định.

Với quan điểm tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh đang cán đích mục tiêu làm sạch môi trường khi các vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc dần được kiểm soát và giải quyết. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND Quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh; xây dựng dự thảo Kế hoạch Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các địa phương giai đoạn 2022 - 2025; đôn đốc các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025. Đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về môi trường nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức cá nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường chung.

Bắc Ninh: Phát triển kinh tế hài hòa thiên nhiên nhằm tạo đà tăng trưởng xanh bền vững
Bắc Ninh đã, đang thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

Bắc Ninh đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu: 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; 100% CCN, làng nghề truyền thống có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn; 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý; 100% lò đốt rác công suất nhỏ được xây dựng theo đúng lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường; các điểm tập kết rác thải bảo đảm vệ sinh, không phát tán mùi gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng trong năm nay. Giám sát vận hành hoạt động của các Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện có. Thực hiện kết nối và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đúng quy định; xem xét, kiến nghị vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các điểm bức xúc trên địa bàn các huyện Tiên Du, Lương Tài, Yên Phong về khu xử lý chất thải tập trung để xử lý nhằm giải quyết cơ bản tình trạng rác tồn đọng ngoài môi trường. Đề xuất và thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy và cô đúc nhôm tại các địa bàn thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, Yên Phong. Đây là những việc làm thiết thực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện thành công chiến lược hành động vì môi trường sạch của tỉnh.

Bám sát mục tiêu Quốc gia đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường... ngay từ bây giờ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch lựa chọn các nhà đầu tư công nghệ cao, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; yêu cầu 100% KCN đi vào hoạt động phải bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.

Đồng thời xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp nhằm bảo vệ hệ sinh thái và bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của mọi tầng lớp nhân dân.

Nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là việc đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Đây là cơ sở quan trọng để Bắc Ninh tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường nhằm bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững.

Với chủ trương “phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, những năm qua, cùng sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 9 KCN tập trung đã đi vào hoạt động, phát sinh khoảng 214.770 tấn chất thải rắn mỗi năm; 27 CCN hoạt động thu hút hơn 700 hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư sản xuất; mật độ dân số tăng kéo theo lượng rác thải cũng tăng lên với khoảng 600 tấn/ngày đêm… là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường tại một số khu vực trên địa bàn. Nhận thức rõ những nguy cơ này, tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý Nhà nước về môi trường, nhất là việc lồng ghép các yêu cầu BVMT trên địa bàn tỉnh trong các chiến lược phát triển, quy hoạch KT-XH, quy hoạch ngành, trong các chương trình, dự án... đã được tỉnh hết sức quan tâm. Hầu hết quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khai thác tài nguyên khoáng sản... trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về BVMT. Các nhiệm vụ, dự án được triển khai đều phải phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và bảo đảm quy hoạch về BVMT.

Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng được các cấp, ngành của tỉnh tập trung triển khai đảm bảo chất lượng. Hiện nay, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết, kế hoạch BVMT trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là cơ sở để xem xét cấp phép đầu tư và thực hiện việc giao và thuê đất. Để kiểm soát ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý nước thải, tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đô thị, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và phương tiện tàu thuyền hoạt động trên sông.

Đến nay, tỉnh đã đầu tư, lập mạng quan trắc, phân tích môi trường với 62 điểm quan trắc nước thải, 60 điểm quan trắc nước mặt, 50 điểm quan trắc không khí và 20 điểm quan trắc nước dưới đất. Xây dựng 9 đề án điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, thu thập số liệu cơ bản về môi trường. Ngoài ra, triển khai thực hiện 6 dự án về xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý ô nhiễm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật...

Một trong những vấn đề quan trọng nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về BVMT là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra 427 đơn vị, thanh tra 398 cơ sở sản xuất trên địa bàn; bắt buộc di dời đối với 1 cơ sở và đình chỉ hoạt động đối với 41 cơ sở đùn ép nhựa gây ô nhiễm môi trường, trong đó huyện Yên Phong có 29 cơ sở, thành phố Bắc Ninh có 9 cơ sở và huyện Thuận Thành có 3 cơ sở.

Nhằm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 03 cơ sở là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Nhà máy kính nổi Việt Nhật và Công ty TNHH Giấy Hoàng Long đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường; Đối với Làng nghề tái chế giấy Phong Khê, Bãi rác Đồng Ngo, tỉnh đã và đang triển khai các dự án đầu tư xử lý môi trường và sẽ hoàn thành trong năm 2016. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, hỗ trợ xây dựng 550 điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn, khu xử lý chất thải của tỉnh tại xã Phù Lãng và các khu xử lý chất thải rắn cấp huyện tại Thuận Thành, Yên Phong, Gia Bình.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đã tạo điều kiện phát triển và nhân rộng nhiều mô hình, tập thể, cá nhân làm công tác bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả rõ rệt, có tính điển hình cao về cung cấp nước sạch, thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải… Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 500 tổ đội làm vệ sinh môi trường tại các thôn, làng; gần 20 Công ty hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn, 6 Công ty hoạt động dịch vụ xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp; 1 Khu bảo tồn loài sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên… qua đó, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cũng luôn được tỉnh quan tâm chú trọng. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương, đoàn thể trong tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về môi trường, các cuộc thi về BVMT, xây dựng mô hình cộng đồng tham gia BVMT. Nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường được tổ chức như Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Ngày đa dạng sinh học… qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân.

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI theo hướng văn minh, hiện đại, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường, đưa vào quy hoạch chung phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong đó, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung và các dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và làng nghề, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí đình chỉ sản xuất, di chuyển địa điểm, buộc cải tiến công nghệ hoặc đầu tư hệ thống xử lý chất thải… Giám sát chặt chẽ quá trình thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư mới vào các KCN tập trung, CCN làng nghề, chỉ tiếp nhận các dự án đầu tư có công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường…

Đông Hải

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/bac-ninh-phat-trien-kinh-te-hai-hoa-thien-nhien-nham-tao-da-tang-truong-xanh-ben-vung-8576.html

In bài viết