11:41 | 21/09/2022

Chủ động ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm 2022

Theo dự báo từ các cơ quan chuyên môn, trong ba tháng cuối năm 2022, tình hình thiên tai tại nước ta còn diễn biến tương đối phức tạp, bất thường với khoảng 8 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó có khoảng 3 đến 5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Vì vậy, việc tăng cường chủ động ứng phó với thiên là một yêu cầu vô cùng cấp thiết nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng người dân và các công trình cơ sở hạ tầng…

Theo số liệu báo cáo từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, 9 tháng đầu năm 2022 thiên tai đã làm 119 người thiệt mạng và mất tích, hơn 440 ngôi nhà sập đổ, gần 7.000 ngôi nhà bị hư hại, hơn 200.000ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại... Ước tính tổng thiệt hại đến nay đã lớn hơn cả năm 2021. Điều này cho thấy, tình hình thiên tai năm nay diễn ra tương đối phức tạp, khốc liệt, bất thường.

Chủ động ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm 2022
Tình hình thiên tai năm nay diễn ra tương đối phức tạp, khốc liệt, bất thường (hình minh họa)

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, những tháng cuối năm 2022, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó 3 đến 5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta, dồn dập trong tháng 10 và 11/2022; mưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nhất là tại khu vực nhiều đối núi như Trung Bộ, Tây Nguyên.

Theo nhận định của ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2022, do ảnh hưởng của La Nina (Hài Đồng nữ - là sự xuất hiện lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương) nên nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm, nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 20/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành đã yêu cầu trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Đồng thời, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống.

Chủ động ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm 2022
Thiên tai gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản (hình minh họa)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo dõi sát tình hình, chủ động đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao và địa bàn được phân công theo dõi theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và chỉ đạo tại Chỉ thị số 09/CT-TTg.

Giao thành viên Ban Chỉ đạo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai tới các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương có liên quan và nhân dân để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để chủ động thích ứng, giảm thiệt hại do thiên tai, gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với xây dựng nông thôn mới bền vững; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố đê điều, công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê điều, hồ đập; rà soát phương án phòng, chống lũ, giảm ngập lụt ở hạ du cho một số lưu vực sông lớn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; phối hợp với các ngành, địa phương triển khai kiểm soát an toàn thiên tai, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng dẫn ảnh hưởng đến thoát lũ, gia tăng ngập lụt nhất là các lưu vực sông miền Trung và đồng bằng Bắc Bộ.

Trường Giang - Phạm Sinh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/chu-dong-ung-pho-thien-tai-trong-nhung-thang-cuoi-nam-2022-8707.html

In bài viết