13:02 | 29/09/2022

Hậu Giang: Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Ngã Bảy

Sáng ngày 27/9, tại thành phố Vị Thanh tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội thảo nghiên cứu khả thi dự án thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang do Quỹ WARM của EU tài trợ và cơ quan phát triển Pháp (AFD) triển khai tại Việt Nam

Mục tiêu của dự án là: Hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa có khả năng chống chịu thích ứng, để đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hỗ trợ phát triển đô thị xanh thành phố Ngã Bảy, ngăn ngừa ô nhiễm đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững của khu vực và khả năng thích ứng với BĐKH của thành phố Ngã Bảy.

Hội thảo sáng nay đã cung cấp cái nhìn tổng quan về các công việc mà các bên đang thực hiện như: Đánh giá rủi ro lũ lụt, tình hình thực tế về mạng lưới thoát nước thải và trạm xử lý nước thải, hệ thống kè và cảnh quan thành phố.

Hậu Giang: Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Ngã Bảy
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, thay mặt cho nhóm tư vấn dự án ông Erik Klaassen trưởng nhóm tư vấn đã trình bày những nội dung mà nhóm đã thực hiện trong thời gian tại thành phố Ngã Bảy đến các nhà khoa học và các tham dự viên.

Hậu Giang: Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Ngã Bảy
Ông Erik Klaassen trưởng nhóm tư vấn chia sẻ các nội dung chính của Dự án tại Hội thảo

Theo ông Erik với việc đánh giá rủi ro lũ lụt nhóm tư vấn đã có những phương án cụ thể để thích ứng với tình hình hiện tại của tỉnh Hậu Giang nói chung và thành phố Ngã Bảy nói riêng với một số khuyến nghị như: Tăng cao trình bờ kè lên từ 20 đến 30cm và lấy cao trình chung ở mức 2,4m, sẽ nâng cao trong tương lai nếu cần thiết; xây dựng lộ trình hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê/kè đảm bảo ứng phó với nước biển dâng đến năm 2050; cân nhắc việc tăng kích thước đường ống thoát nước những đoạn 600mm lên 800mm khi điều kiện cho phép; xây dựng kế hoạch cụ thể trong phát triển các giải pháp hạ tầng xanh (tăng 50ha diện tích mặt thấm và 15ha diện tích mặt nước, cần thêm hồ điều hòa)…

Thay mặt cho nhóm tư vấn, ông Erick cũng đã có những chia sẻ về các kết quả đã đạt được trong quá trình nhóm thực hiện việc nghiên cứu tại thành phố Ngã Bảy đối với các nội dung như: Đánh giá tình hình thực tế về mạng lưới thoát nước thải và trạm xử lý nước thải, hệ thống kè và cảnh quan thành phố.

Chia sẻ tại Hội thảo, giám đốc ban quản lý dự án tỉnh cho biết: Thành phố Ngã Bảy là điểm gặp nhau giữa 7 con sông nhỏ (Cái Côn, Quản lộ Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong, Xẻo Môn), khiến Ngã Bảy dễ tổn thương hơn bởi các tác động của BĐKH nhưng bù lại, là tiềm năng lớn để trở thành một địa điểm độc đáo về văn hóa, du lịch và giao thương kinh tế. Vùng trung tâm " bảy sông dồn nước" đầu thế kỷ 20 từng là đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ, song hành với trung tâm giao thương hàng hoá lớn của miền Nam, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. Nên khi Dự án có được những đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, có tính dự báo cao trong tương lai khi triển khai và hoàn thành sẽ tạo ra diện mạo mới cho Ngã Bảy nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung, góp phần phát huy nội lực vốn có của thành phố.

Hậu Giang: Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Ngã Bảy
Giám đốc ban quản lý dự án tỉnh phát biểu tại Hội thảo

Đại diện quỹ WARM ông Trịnh Quang Tuấn – điều phối viên cho biết: Qũy WARM (Water and Natural Resources Management – Quản lý Nước và Tài nguyên thiên nhiên) là khoản tài trợ trị giá 20 triệu Euro từ Liên minh châu âu (EU) được ủy quyền cho AFD thông qua Quỹ Đầu tư Châu Á (AIF) với mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng ở các khu vực dễ bị tổn thương so biến đổi khí hậu. Với dự án được thực hiện tại Việt Nam mà cụ thể là tại tỉnh Hậu Giang, ông Tuấn tin tưởng khi dự án được triển khai một cách đồng bộ sẽ góp phần không nhỏ trong quảng bá hình ảnh của tỉnh và luôn có phương án chủ động để ứng phó với BĐKH…

Tại Hội thảo các nhà khoa học, các tham dự viên cũng đã có những ý kiến ghi nhận và đóng góp thêm vào kết quả mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện cũng như những kiến nghị để dự án triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất./.

Nguyễn Quang

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/hau-giang-phat-trien-do-thi-xanh-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-tai-thanh-pho-nga-bay-8754.html

In bài viết