08:24 | 07/11/2022

TP. Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát khí thải carbon như thế nào?

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn biến xấu, TP. Hồ Chí Minh làm thế nào để đạt được mục tiêu giảm 10% - 30% phát thải khí nhà kính vào năm 2030?
TP. Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát khí thải carbon như thế nào?
TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với Cục Môi trường TP. Osaka (Nhật Bản) triển khai giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, lượng khí thải carbon cao ở TP. Hồ Chí Minh chủ yếu xuất phát từ hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Trong đó, hoạt động giao thông ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

Theo kết quả quan trắc mới đây tại một số khu vực trung tâm, tập trung đông các phương tiện tham gia giao thông, cho thấy nồng độ bụi lúc nào cũng vượt mức cho phép. Còn tại khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp thì ô nhiễm không khí cũng đáng báo động.

Để cải thiện tình trạng này, TP. Hồ Chí Minh chủ động học hỏi kinh nghiệm, kết hợp hài hòa giữa nguồn lực trong nước và quốc tế. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với Cục Môi trường TP. Osaka (Nhật Bản) triển khai giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường.

Theo đó, thời gian tới với sự hỗ trợ của Cục Môi trường TP Osaka, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện các giải pháp giảm phát thải carbon như tiếp tục kiểm kê nguồn phát thải khí nhà kính, xây dựng kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nghiên cứu và thực hiện giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính.

Các lĩnh vực sẽ ưu tiên hợp tác gồm: năng lượng, giao thông, công nghiệp và xử lý chất thải. Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng, phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng. Trong giao thông vận tải, đẩy mạnh kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông, phát triển xe điện, ưu tiên phát triển phương tiện công cộng...

Còn trong công nghiệp, quản lý phát thải khí nhà kính đối với các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Chuyển đổi công nghệ sạch và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cấp vật chất ngành điện...

Riêng đối với xử lý chất thải đô thị, đầu tư các công nghệ tiên tiến, hiện đại để tiến tới việc đốt rác phát điện. Giảm thiểu chất thải rắn tại nguồn, hạn chế chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất.

Trọng Hiếu

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tp-ho-chi-minh-se-kiem-soat-khi-thai-carbon-nhu-the-nao-8936.html

In bài viết