09:16 | 03/11/2022

Đà Nẵng: Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ các Dự án nhà máy xử lý rác thải?

Tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn (CTR) 650 tấn/ngày và Nhà máy 1.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý CTR Khánh Sơn, quận Liên Chiểu vẫn chậm tiến độ do gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hiện nay thành phố Đà Nẵng vẫn đang tích cực đôn đốc nhà đầu tư cũng như tìm các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, nhanh chóng đưa Dự án sớm được triển khai.
Đà Nẵng: Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ các Dự án nhà máy xử lý rác thải?

Cần sớm triển khai xây dựng Nhà máy xử lý CTRSH để giải quyết thực trạng quá tải tại bãi rác Khánh Sơn.

Cấp bách xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Câu chuyện quá tải tại bãi rác Khánh Sơn nhiều năm qua vẫn luôn là vấn đề nóng hổi. Người dân thành phố Đà Nẵng vẫn đang kỳ vọng về hai nhà máy xử lý rác hiện đại nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân từ nhiều năm nay.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng, mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn thành phố khoảng 1.100 tấn. Dự báo, đến năm 2030, TP. Đà Nẵng sẽ phát sinh 1.794 tấn/ ngày và năm 2045 khoảng 2.450 tấn rác thải/ ngày. Lượng rác thải sinh hoạt sẽ còn tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, giải pháp xử lý rác bằng hình thức chôn lấp chỉ là tạm thời và chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường về lâu dài. Chính vì vậy, cần khẩn trương triển khai các bước xây dựng hai nhà máy xử lý CTRSH (650 tấn/ngày và 1.000 tấn/ngày).

Đà Nẵng: Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ các Dự án nhà máy xử lý rác thải?

Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng theo từng năm, trong khi đó, phương pháp xử lý rác hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường.

Với Dự án Nhà máy xử lý CTR phát điện công suất 650 tấn/ngày do công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư, thành phố tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục trong năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công xây dựng, sớm đưa dự án đi vào hoạt động góp phần xử lý thực trạng cấp bách về rác thải hiện nay của thành phố.

Cùng với đó, dự án Nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày, thành phố đã tích cực đăng tải thông tin mời các nhà đầu tư quan tâm lập hồ sơ đề xuất thực hiện Dự án; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng đảm bảo đưa Dự án đi vào hoạt động chậm nhất vào năm 2024.

Khó khăn trong việc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp

Mặc dù Thành phố luôn tích cực thực hiện các bước để nhanh chóng triển khai và thu hút đầu tư cho các Dự án Nhà máy xử lý CTR tại Khu liên hợp xử lý CTR Khánh Sơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc nên tiến độ thực hiện còn chậm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố tích cực tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo đưa Nhà máy xử lý CTRSH quy mô 1.000 tấn đi vào hoạt động chậm nhất trong quý IV/2024; tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư đưa Dự án đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày hoàn tất các thủ tục trong năm 2022, triển khai thi công xây dựng và đi vào khai thác trong thời gian sớm nhất.

Đối với Dự án Nhà máy xử lý CTR 1.000 tấn/ngày, thành phố đã lựa chọn được nhà đầu tư đề xuất dự án, giao cho nhà đầu tư lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) để tiếp tục các bước thẩm định, xem xét tính khả thi của Dự án, làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư Dự án.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án theo phương thức đối tác công tư PPP gặp nhiều vướng mắc do yếu tố pháp lý phức tạp của hình thức này dẫn đến kéo dài tiến độ Dự án và giảm tính khả thi về mặt thời gian hoàn thành. Nếu thực hiện Dự án theo hình thức này, tối thiểu phải tới năm 2027 mới có thể đưa Dự án đi vào hoạt động. Thậm chí, có thể lâu hơn nếu đàm phán hợp đồng PPP không thành công như một số địa phương khác trên cả nước thì sẽ phải hủy thầu.

Trước đó, tại phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng ngày 13/07, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố cho biết, hành lang pháp lý và quy định của việc triển khai dự án theo hình thức PPP hết sức khó khăn. Trên cả nước hiện nay, chưa có dự án nào triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác theo hình thức này mà thành công. Thành phố sẽ tìm phương án khác để đảm bảo tiến độ thực hiện và sẽ có báo cáo đầy đủ.

Cần có giải pháp phù hợp trước nỗi lo về khoảng cách an toàn môi trường

Việc xây dựng hai nhà máy xử lý CTR tại vị trí quy hoạch hiện nay chưa đảm bảo quy định về khoảng cách an toàn môi trường (ATMT) vì theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, dự án phải đảm bảo tuân thủ khoảng cách ATMT tối đa trong bán kính 500m đến khu dân cư, các công trình dân dụng và công trình hạ tầng xã hội khác. Nhưng tại vị trí Dự án hiện nay, theo khảo sát hiện trạng, có 01 khu dân cư hiện hữu với diện tích khoảng 1,5 ha; 03 khu tái định cư trong đó phải di dời 400 hộ dân (dự kiến tái định cư khoảng 1.500 lô); 01 doanh trại quân đội và nhiều cơ quan, doanh nghiệp, công trình khác đang nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m. Kinh phí để thực hiện di dời, giải tỏa các công trình này ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, vị trí dự kiến xây dựng hai Nhà máy xử lý rác nằm trong khu vực bảo vệ các công trình quốc phòng – khu quân sự của Kho 83 thuộc Cục kỹ thuật Binh chủng Công binh theo quy định của Bộ Quốc phòng. Đơn vị này nằm hoàn toàn trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của Dự án cũng như các ô chôn lấp và Khu xử lý chất thải nguy hại đang hiện hữu. Cụ thể, cách Dự án Nhà máy xử lý rác 1.000 tấn khoảng 170m. Chính vì vậy, phía đơn vị Kho 83 Công binh kiến nghị thành phố điều chỉnh vị trí xây dựng các Dự án nhà máy xử lý CTR đảm bảo khoảng cách tới ranh giới của Kho 83 đúng theo quy định hiện hành; đồng thời, có giải pháp xử lý triệt để các ô chôn lấp CTR, khu xử lý chất thải nguy hại và các công trình trong Khu liên hợp xử lý CTR Khánh Sơn có ảnh hưởng môi trường tới Kho 83.

Cũng tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri với người dân phường Hòa Khánh Nam, đa số người dân đều bày tỏ sự lo ngại vì vị trí xây dựng công trình rất gần với khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách ATMT theo quy định. Không ít lần người dân kiến nghị đến chính quyền với mong muốn các ban ngành chức năng xem xét di dời vị trí Dự án ra xa khu dân cư cũng như có giải pháp phù hợp di dời, giải tỏa sớm các hộ dân nằm trong vùng bán kính ảnh hưởng của Dự án để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Đà Nẵng: Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ các Dự án nhà máy xử lý rác thải?

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn và những khó khăn của Dự án Nhà máy xử lý rác được đề cập nhiều tại các cuộc họp với người dân phường Hòa Khánh Nam.

Thực tế cho thấy, nỗi lo của người dân về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống khi khoảng cách công trình chưa đảm bảo ATMT là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vậy, việc xây dựng cần có phương án cụ thể, vị trí xây dựng phù hợp, đảm bảo các quy định của pháp luật về xây dựng và môi trường, đồng thời hạn chế tối đa việc lãng phí ngân sách nhà nước.

HVK

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/da-nang-giai-phap-nao-de-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-nha-may-xu-ly-rac-thai-8973.html

In bài viết