14:05 | 21/11/2022

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam xem nhật ký của một cô giáo viết về “đám học trò”

Những câu chuyện thú vị có thật xoay quanh nghề giáo, những tiết học trên giảng đường đại học trong "Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu" của cô giáo Hồ Yên Thục vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh giới thiệu trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam xem nhật ký của một cô giáo viết về “đám học trò”
Cô giáo Hồ Yên Thục và 3 cuốn "Nhật ký cô giáo" đã ra mắt độc giả

Với giọng văn hài hước, lối kể chuyện nhẹ nhàng, chân thật bằng những câu chuyện: Em có mặt là tốt rồi; Ở trường, chúng tôi nói chuyện gì?; Café không hẳn là Café; Khách, May mắn; Những đức tính tốt; Mình đang làm cái gì thế?... "Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu" không chỉ là những câu chuyện đong đầy tình cảm cô trò, mà còn thể hiện rõ quan điểm giáo dục thực tiễn của cô giáo Hồ Yên Thục - Tác giả "Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu".

Cô giáo Hồ Yên Thục đã có thói quen ghi chép lại dòng cảm xúc ở trường đại học mà cô yêu thương gọi là học quán thanh xuân. Ban đầu chỉ là những mẩu chuyện ngắn đăng facebook, dần dần cuốn nhật ký của cô dày lên và cảm xúc được chép lại cũng phong phú hơn.

Càng về sau, Nhật ký cô giáo càng chứa đựng nhiều tình cảm cô trò, giận dỗi, tin tưởng, che chở nhau làm cho học quán nơi cô giáo làm việc hiện lên vô cùng sinh động và đong đầy tình cảm. Qua những trải nghiệm cùng các học trò trên giảng đường, cô giáo có thêm khả năng nhìn thấy vẻ đẹp trong mỗi tên đệ tử “tiểu yêu”. Nhờ đó cô luôn may mắn nhận được tình cảm yêu thương vô điều kiện của học trò, sự giúp đỡ, động viên vô tư của đồng nghiệp, giữ cho cô vững bước trên con đường sư phạm.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam xem nhật ký của một cô giáo viết về “đám học trò”
Cô giáo Hồ Yên Thục và những sinh viên yêu mến của mình

Đồng thời, văn hóa đại học cũng được mô tả chân thực đến lạnh lùng, nơi con người rộng rãi yêu thương chăm sóc nhau từ ly cafe đến tận tâm chia sẻ bài giảng, nhưng nguyên tắc của nó có thể làm những kẻ lười biếng lạnh sống lưng, chẳng hạn thông cảm và trễ hạn không bao giờ được chấp nhận trong học quán của cô giáo.

Cô giáo Hồ Yên Thục tự nhận mình có nhiều "mỡ" và kinh nghiệm qua mấy học kỳ đã biết chấp nhận học trò, bình tĩnh hơn trong đối thoại và xử lý dứt khoát 101 tình huống sư phạm chỉ khi thực chiến mới thấy. Mỗi ngày đi làm đều có niềm vui.

"Nhật ký Cô giáo - Học kỳ Thu" hé lộ nội dung nhiều tiết học trong lớp của cô giáo. Qua đó, cô cũng thể hiện rõ quan điểm cá nhân: Không chỉ hoàn thành công việc được giao mà còn hướng đến xây dựng con người hạnh phúc trong cuộc đời. Cô giáo trong tác phẩm là một nhân vật lạc quan, yêu nghề, tin người, có khả năng nhìn xấu thành đẹp, nhìn quen thành lạ. Cô giáo vẫn nhạy cảm với mọi thứ xảy ra quanh mình nhưng đã cứng rắn hơn trong cách xử lý tình huống. Nhờ đó những chuyện tưởng như bực mình trong học quán lại trở nên đáng yêu, mang đậm cảm xúc đặc thù của học quán thanh xuân này.

Cô giáo Hồ Yên Thục chia sẻ: "Tôi thật sự yêu mến sinh viên của mình. Hàng ngày được ngắm nhìn những tâm hồn trong sáng và những trái tim thơ ngây là hạnh phúc ngập tràn. Tôi thương các em vô cùng vì cuộc đời xô đẩy cho em va vấp quá sớm. Vì em đã cho tôi cảm nhận gần hết những đắng chát chua cay trong bài luận em viết. Mong rằng ngày mai trời đẹp, và những con người mong manh ấy không vỡ vụn ra khi thấy bảng điểm tôi chăm chút từng con số".

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam xem nhật ký của một cô giáo viết về “đám học trò”
Cô giáo Hồ Yên Thục chia sẻ về "Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu" vừa được giới thiệu đến bạn đọc trong dịp kỷ niệm 40 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11.

Cô giáo Hồ Yên Thục hiện là giảng viên của Trường Đại học FPTU. Trước "Nhật ký cô giáo - Học kỳ Thu", cô cũng đã "công bố" hai cuốn Nhật ký cô giáo - Học Kỳ Xuân (2019) và Nhật ký cô giáo - Học Kỳ Hè (2021).

Trọng Hiếu

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nhan-ngay-nha-giao-viet-nam-xem-nhat-ky-cua-mot-co-giao-viet-ve-dam-hoc-tro-9053.html

In bài viết