07:00 | 24/10/2022

Thực trạng, thách thức và giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam”.

Xu thế sử dụng tăng nhanh và hệ lụy

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải cho biết, thuốc lá rất có hại cho sức khoẻ, hàng năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá là 8 triệu người, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp, chính sách để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có chính sách về thuế, về truyền thông để người sử dụng thuốc lá ngày càng hiểu về tác hại của thuốc lá gây ra, đồng thời cần nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân để công tác phòng chống ngày càng hiệu quả hơn.

Chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam chiếm 1% GDP, con số bỏ ra rất lớn. Việt Nam là một nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới, xu thế sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, người sử dụng thuốc lá trong giới trẻ rất nhiều, hình thức sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến.

Thực trạng, thách thức và giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Về tác hại của thuốc lá và mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế) thông tin, hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Bên cạnh đó, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Đây đều là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Trong đó, theo nghiên cứu của Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%; số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo cũng cho rằng, sự xuất hiện của loại hình thuốc lá mới khiến cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi đối tượng sử dụng chính là thanh thiếu niên. Ngoài ra, thông tin trên các kênh truyền thông về thuốc lá điện tử có nhiều sai lệch, mang tính định hướng thương mại như thuốc lá điện tử giúp cai nghiện, bớt độc hại hơn thuốc lá truyền thống khiến giới trẻ có những nhận thức sai lầm.

Trước thực trạng này, WHO khuyến nghị các Việt Nam nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Phát biểu tại hội thảo TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết: Việt Nam cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015.

Theo TS Angela Pratt “Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin – đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá”

“Chúng ta cần thay đổi điều này, và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này”, TS Angela Pratt cho hay.

Nhằm giảm nhu cầu thuốc lá, các đại biểu cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp với mong muốn áp dụng đồng bộ và triệt để hơn, bao gồm chính sách thuế; cảnh báo sức khỏe; hỗ trợ cai nghiện; cấm quảng cáo; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá.

Trong đó, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh các chính sách thuế. Tại Việt Nam, tính theo tiêu chuẩn quốc tế mức thuế trong giá bán lẻ, tỷ lệ thuế của Việt Nam bao gồm cả VAT chỉ chiếm khoảng 35% giá bán lẻ. Đây là mức thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng, tăng thuế ở mức đủ cao sẽ là biện pháp đóng vai trò quan trọng, có hiệu quả chiếm hơn 40% trong các biện pháp, chính sách về phòng chống thuốc lá. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, cũng như xây dựng các chính sách pháp lý toàn diện, lấy tiền đề cốt lõi, đặt lên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người dân.

Trần Kiên

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thuc-trang-thach-thuc-va-giai-phap-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-tai-viet-nam-9143.html

In bài viết