15:00 | 09/12/2022

Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP

Ngày 9/12, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam”.
Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP

Trong những năm qua nền kinh tế số của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tối ưu hóa nền kinh tế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 càng khẳng định được vai trò của nền kinh tế số trong quá trình này. Tuy nhiên, hiện kinh tế số cũng như lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mang tính thời đại./'./mn ds

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh cho biết: Vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Đây là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu, giảng viên, doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý đã tìm được những hướng nghiên cứu mới, giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và TMĐT Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới như: Chia sẻ về Chuyển đổi chiến lược môi trường công nghệ số để phát triển kinh tế số; Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam trong thời đại 4.0; Xu thế chuyển đổi số tại Việt Nam; Một số cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.

Chia sẻ về thực trạng và giải pháp tránh thất thu thuế TMĐT tại Việt Nam; Tăng cường môi trường pháp lý của TMĐT tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế: Tính ứng dụng và hạn chế rủi ro trên thực tiễn; Chính sách pháp luật về quản lý kinh doanh xăng dầu ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế số; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số và TMĐT; Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam…

Theo các đại biểu, thị trường TMĐT Việt Nam có nhiều tiềm năng để tăng trưởng mạnh mẽ, tiến tới tiếp cận, hòa nhập với thị trường khu vực và toàn cầu. Trong thời gian tới, sự cạnh tranh trong thị trường TMĐT Việt Nam cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam đang và sẽ phải chịu sự cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp khác nhau không chỉ trong nước mà còn là những doanh nghiệp TMĐT nước ngoài ở khu vực và trên thế giới. Vì vậy, để thị trường TMĐT Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững, tương xứng với các kỳ vọng và dự báo của nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường có uy tín trên thế giới, đúng với định hướng của Chính phủ, việc xác định các xu hướng phát triển và các thách thức của thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới là điều vô cùng cần thiết.

Quá trình phát triển TMĐT Việt Nam bền vững đòi hỏi việc thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ từ nhiều phía, bao gồm: Chính phủ, các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, các cơ sở giáo dục đào tạo Đại học, người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm tạo lập môi trường, hành lang pháp lý và các chính sách, chế tài thúc đẩy hoạt động TMĐT thuộc về Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, cần duy trì tính cạnh tranh và không ngừng cải tiến, đặc biệt là thực hành tốt đạo đức kinh doanh để xây dựng uy tín, sự tin tưởng và lòng trung thành của khách hàng trực tuyến và mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng của họ. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, phải tích cực thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo, nâng cao tỷ lệ thực hành trong các học phần, gắn lý thuyết với thực hành thông qua kết hợp với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đối với người tiêu dùng cần phải nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của mình trong thực thi các giao dịch TMĐT để có ý thức, thái độ đúng đắn với sự phát triển bền vững của thị trường TMĐT Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại: Thông qua việc ban hành một loạt các chính sách, chương trình về chuyển đổi số quốc gia và các chương trình cải thiện môi trường kinh tế, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021 - 2025, có thể thấy, Chính phủ luôn tích cực hành động để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa mở rộng và phát triển. Đây là giai đoạn TMĐT sẽ trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, định hướng chuyển đổi số cho quốc gia. Những hoạt động thương mại trên thiết bị di động, những công nghệ mới nhất sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam và phát triển hoạt động kinh doanh.

Minh Châu

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/muc-tieu-den-nam-2025-kinh-te-so-viet-nam-se-chiem-khoang-20-gdp-9230.html

In bài viết