16:02 | 08/12/2022

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển

Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp. Để giải quyết các vấn đề về môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động.

Nghị quyết số 41 ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước khẳng định: Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Theo đó. Nghị quyết số 41 có 7 giải pháp chính để BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước trong đó có nội dung “hình thành và phát triển ngành Công nghiệp môi trường”.

Thành lập Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam

Ngày 7 tháng 3 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Quyết định số 631/QĐ-BNV thành lập Hiệp hội Công nghiêp môi trường Việt Nam, đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tập hợp, phát triển hội viên tham gia các hoạt động phát triển ngành Công nghiệp môi trường; tổ chức các diễn đàn, đối thoại; xúc tiến thương mại; tư vấn, phản biện các vấn đề về bảo vệ môi trường…

Đại hội thành lập Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt nam năm 2011 đã vinh dự được Ủy viên trung ương đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đến dự, chúc mừng và định hướng hoạt động. Đến nay, sau 10 năm thành lập, qua 3 kỳ đại hội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đã có sự trưởng thành và phát triển toàn diện trên mọi mặt.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Đại hội thành lập Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt nam năm 2011

Dấu ấn 10 năm xây dựng và phát triển

Về cơ sở vật chất và văn phòng làm việc, riêng tại Hà Nội, Hiệp hội có trụ sở làm việc ổn định trong tòa nhà Bộ Công Thương số 655 Phạm Văn Đồng (P. Cổ Nhuế 1, Q. Bắc Từ Liêm) và Viện Khoa học Mỏ, Luyện kim số 79 An Trạch (P. Quốc Tử Giám, Q. Đống Đa); Bên cạnh đó, Hiệp hội còn có văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Về cơ cấu tổ chức, ngoài các ban chuyên môn, Hiệp hội có 6 đơn vị trực thuộc gồm: 3 viện (Viện Công nghiệp môi trường; Viện quản lý và Công nghệ môi trường; Viện Công nghệ sạch); 2 Trung tâm (Trung tâm Tăng trưởng xanh và Bảo vệ môi trường; Trung tâm Phát triển bền vững) và Tạp chí Công nghiệp môi trường (bao gồm Tạp chí in và điện tử). Bên cạnh đó, Hiệp hội đã thành lập Chi bộ cơ quan Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt nam và tổ chức Công đoàn trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Hoàn thiện đội ngũ lãnh đạo các Viện và Văn phòng thuộc Hiệp hội
Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Thành lập Công đoàn Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam năm 2018

Về Công tác phát triển Hội viên luôn được Hiệp hội quan tâm, chú trọng. Đến nay, Hiệp hội có gần 400 Hội viên gồm Hội viên tập thể và Hội viên cá nhân. Hằng năm, Hiệp hội thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên như: Nghiên cứu, tiếp cận khoa học, kỹ thuật mới; tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật có liên quan đến hoạt động BVMT; kết nối giao thương giữa các Hội viên và các tổ chức khác ở trong nước và quốc tế.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Ra mắt Chi hội CNMT khối truyền thông, môi trường và kết nạp Hội viên mới

Về công tác nghiên cứu khoa học, Hiệp hội thực hiện gần 30 nhiệm vụ khoa học, đề tài nghiên cứu cấp Bộ, tiêu biểu là: 1) Đề xuất chính sách hỗ trợ sử dụng nhiên liệu sạch (LPG,CNG) trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các thành phố lớn; 2) Điều tra, khảo sát xác định các chỉ tiêu kỹ thuật về khoảng cách ly an toàn về môi trường, vùng chịu ảnh hưởng đối với các công trình: thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị; thu gom và xử lý nước thải đô thị; xử lý bùn cặn của hệ thống thoát nước và xử lý bùn bể phốt đô thị và các công trình liên quan; 3) Xây dựng khung nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành Công Thương theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu Giai đoạn một và hai; 4) Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sử dụng phụ gia để nâng cao hiệu suất đốt, giảm thiểu phát thải SOx, NOx, và CO của nhà máy nhiệt điện than; và 5) Nghiên cứu cơ chế chính sách, định hướng đổi mới công nghệ để giảm thiểu khí nhà kính hướng tới nền kinh tế cacbon thấp phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam đối với các khu kinh tế ven biển.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Một hoạt động trong nhiệm vụ điều tra, khảo sát xác định các chỉ tiêu kỹ thuật về khoảng cách ly an toàn về môi trường

Về công tác tư vấn, phản biện chính sách, Hội thảo, Hội nghị tập huấn được Hiệp hội thực hiện thường xuyên, liên tục theo từng chủ đề gắn với các lĩnh vực mà xã hội và hội viên đặc biệt quan tâm. Tới đây, Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chức năng tổ chức các hội thảo xin ý kiến về việc nhận diện danh mục Công nghệ, thiết bị, sản phẩm Công nghiệp môi trường và xa hơn là tư vấn chương trình phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt nam và các chính sách khác.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển

Đối với hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế, Hiệp hội đã ký biên bản ghi nhớ và có nhiều buổi làm việc cùng các đối tác như: Tổng cục môi trường; Vụ quản lý các khu kinh tế; Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp; Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp; Hiệp hội Tái chế; Hiệp hội Xăng dầu; 12 Hội, Hiệp hội thuộc Khối kinh tế môi trường và Biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Văn phòng Đại diện ShangHai Sus tại Hà Nội; TaiTra - Đài Loan; Kitia và S.Tech Hàn Quốc…

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như thăm quan, nghỉ mát và các sự kiện trong các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Cán bộ Tạp chí Công nghiệp môi trường trong ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6/2022

Trong tháng 12 năm 2022, Hiệp hội và Tạp chí Công nghiệp môi trường sẽ trao tặng một căn nhà 30m2 được xây mới, kiên cố cho gia đình ông Tẩn Duần Xèo và hơn 100 xuất quà cho các gia đình, giáo viên, học sinh tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với trị giá gần 130 triệu đồng. Trước đó, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội cũng thực hiện chương trình trao 20 suất học bổng tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 10 suất học bổng tại trường Phổ thông trung học Quang Trung Hà Đông và Ủng hộ đèn năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình bản Khau Thán, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Bối cảnh mới

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực, nhiều quy định mới về hoạt động bảo vệ môi trường được tăng cường, nâng cao tiệm cận với các nước và khu vực phát triển. Ngành Công nghiệp môi trường cũng được quy định cụ thể hơn, từ đó nhận diện quy mô ngành và giá trị đóng góp về kinh tế, môi trường, xã hội được cụ thể hơn.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam được Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam công nhận là Hội thành viên, đây là tổ chức chính trị, xã hội của đội ngũ trí thức Việt Nam với 2.2 triệu thành viên; 3,7 triệu hội viên; hơn 90 hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật các tỉnh, thành phố. Điều này, tạo thuận lợi cho các hoạt động tập hợp, phát triển Hội viên và tư vấn, phản biện các vấn đề về bảo vệ môi trường…

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Cán bộ làm việc tại Hiệp hội và đơn vị trực thuộc được “trẻ hóa”

Việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức và trẻ hoá đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm việc tại Hiệp hội được ưu tiên thực hiện, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu, trong giai đoạn 2022-2025 cần có 1 chương trình tổng thể về phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam trong đó phát triển các sản phẩm Công nghiệp môi trường theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu BVMT được Hiệp hội đặt làm trọng tâm.

Bối cảnh mới đã tạo nhiều động lực để Hiệp hội tập hợp, đoàn kết, phát triển hội viên, tạo nguồn lực phát triển ngành Công nghiệp môi trường; Tuy nhiên cũng tạo ra nhiều áp lực đối với Hiệp hội và hội viên như: cần phải đổi mới phương thức hoạt động và liên kết hội viên trong Hiệp hội; thích ứng và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường hàng hóa Công nghiệp môi trường…vv

Đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm: “Coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Vì vậy phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam là một trong các yếu tố tiên quyết để bảo vệ môi trường.

10 năm thành lập và phát triển chưa phải là một quãng đường dài, với những yêu cầu trong bối cảnh mới, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đoàn kết, tập hợp hội viên, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ và các định hướng đã được đề ra.

Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: 10 năm xây dựng và phát triển
Đại hội lần thứ III Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2025)

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/hiep-hoi-cong-nghiep-moi-truong-viet-nam-10-nam-xay-dung-va-phat-trien-9413.html

In bài viết