07:52 | 10/03/2023

Mô hình nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao tại miền di sản Phong Nha – Kẻ Bàng

Với nguồn nước trong xanh của dòng sông Son chạy qua khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), nhiều mô hình nuôi cá trắm trong lồng trên sông Son được người dân nuôi và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Nhắc đến Phong Nha – Kẻ Bàng chúng ta thường liên tưởng đến những hệ thống hang động hùng vĩ và các dịch vụ du lịch. Nhưng thời gian gần đây tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng, người dân đã phát triển nhiều ngành nghề mang lại thu nhập ổn định. Trong đó mô hình nuôi cá lồng trên sông Son không chỉ mang lại hiệu quả khinh tế cao mà còn là một món ăn đặc sản do du khách mỗi khi thưởng thức.

Với đặc trưng của nguồn nước trong xanh và thiên nhiên trong lành của dòng sông Son. Người dân nơi đây đã tập trung nuôi nhiều mô hình cá bằng lồng bè, chủ yếu là cá trắm. Cá nuôi trong lồng không khác gì cá ngoài tự nhiên, thức ăn chủ yếu là những phụ phẩm từ nghành nông nghiệp sẵn có và những sinh vật thực phẩm từ tự nhiên.

Mô hình nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao tại miền di sản Phong Nha – Kẻ Bàng
Được thiên nhiên ban tặng cho nguồn nước trong xanh và môi trường thuận lợi nghề nuôi cá trên lồng, bè đang phát triển ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tiêu biểu như gia đình ông Thứ ( thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch ) hiện có hai lồng nuôi, mỗi lồng thả khoảng 200 con cá trắm gối vụ. Ban đầu lồng cá được làm bằng tre, quây lưới xung quanh, bên ngoài có thùng phi nhựa để lồng nổi trên mặt nước. Sau nhiều năm lồng bị vỡ, thùng phi bể, ông Thứ cải tiến làm lồng bằng sắt, đặt thùng phi bên trong lồng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thứ ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch cho biết, nghề nuôi cá trắm lồng trên sông Son có từ rất lâu, riêng gia đình ông đã nuôi 25 năm nay. Trải qua nhiều thập kỷ, nghề có lúc thăng, lúc trầm, nhưng gần đây ngày càng thịnh vượng nhờ sự phát triển du lịch ở di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.

Mô hình nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao tại miền di sản Phong Nha – Kẻ Bàng
Thức ăn của cả chủ yếu là những phụ phẩm từ nông nghiệp có sẵn và giá thành rất rẻ.

Ông Thứ cho biết thêm “Thức ăn chủ yếu của cá là rong rêu mọc tự nhiên ở sông Son và các loại cỏ cây, phụ phẩm từ nông nghiệp. Những tháng mưa lũ rong bị cuốn trôi, chúng tôi dùng củ sắn, cỏ, chuối cho cá ăn. Sau khoảng vài năm, cá đạt cân nặng từ 4 - 5 kg mới xuất bán. Các hộ nuôi có thể kéo dài thời vụ, khi cá nặng trên 7 kg để bán với giá cao hơn. Thu nhập bình quân mỗi lồng cá đạt trên 100 triệu đồng”.

Từ những năm 1950, người dân ở Phong Nha- Kẻ Bàng đã bắt đầu nuôi cá lồng trên sông Son. Tuy nhiên, ban đầu các hộ chỉ nuôi với quy mô nhỏ trong lồng tre với phao thùng đơn giản. Sau năm 2003, khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, cá trắm trở thành đặc sản của địa phương nên người dân nuôi nhiều hơn. Đến nay, hàng trăm lồng cá lớn nhỏ được làm bằng sắt trải dài dọc trên sông Son đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi cá trắm lồng.

Mô hình nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao tại miền di sản Phong Nha – Kẻ Bàng
Cá trắm được dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon phục vụ cho du khách.

Ông Phan Thanh Luận phó chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha cho biết, địa phương có trên 350 hộ dân nuôi với số lượng hơn 700 lồng cá, hộ nhiều nhất nuôi 3 lồng. Hàng năm, làng nghề xuất bán khoảng hơn 295 tấn cá trắm, ước tính mang về nguồn thu gần 30 tỷ đồng/ năm.

"Cá trắm nuôi tự nhiên, lâu năm nên thịt săn chắc, thơm. Vì vậy, các nhà hàng đều dùng cá trắm sông Son chế biến thành món ăn đặc sản, tạo thương hiệu cho du lịch ẩm thực miền núi tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm cá lồng sông Son ngày càng ổn định, thu nhập của các hộ nuôi cá từ đó cũng được nâng lên", ông Luận nói.

Cá trắm sông Son được người dân chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: cháo cá, món xào, hấp, gỏi, nướng....Cùng với đó, gần đây, thị trấn Phong Nha đã thành lập Hợp tác xã chả cá trắm, chế biến cá thành chả, đạt chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra địa phương còn tổ chức nhiều lễ hội bắt cá, và chế biến những món ăn từ cá nhằm quảng bá ẩm thực độc đáo của Quảng Bình.

Lê Cử

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/mo-hinh-nuoi-ca-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-tai-mien-di-san-phong-nha-ke-bang-9637.html

In bài viết